Những tấm gương xuất sắc về nghị lực sống

04/04/2018 Thứ tư

Chắc hẳn các bạn còn nhớ Quỹ VTVV đã và đang hỗ trợ 4 em ở Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Xuân Phú tham gia Lễ hội Bóng đá Hy vọng tại Nga sẽ diễn ra vào tháng 6/2018. Cả 4 em đều là những tấm gương xuất sắc về nghị lực sống và vươn lên phi thường. Chính vì vậy, hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ một chút về câu chuyện của các em: Hường, Dự, Ánh và Hoàng.

VSF

 

4 em vui mừng trong những chiếc áo "Vì hạnh phúc đích thực" mà Quỹ Vì Tầm Vóc Việt trao tặng

Em Đoàn Thị Hường (26/07/1999) không may khi mồ côi cha từ nhỏ. Gánh nặng lại chồng chất gánh nặng trên đôi vai của mẹ em. Dù đã cố gắng làm thêm rất nhiều công việc nhưng mẹ em vẫn không đủ khả năng nuôi ba người con, anh trai của Hường đành phải tìm đến nương nhờ cửa Phật. Không lâu sau đó, hai chị em Hường may mắn được Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú nhận nuôi. Em Hường chia sẻ: “Được sống trong tình yêu thương của mọi người, em đã trưởng thành hơn rất nhiều, tự tin vào bản thân và sống một cuộc sống vui vẻ chan hòa như bao anh chị khác trong Trung tâm”. Em cũng đã rất nỗ lực học hành thật chăm chỉ, bây giờ em đang là sinh viên tại trường Đại học nghệ thuật Huế, ngành thiết kế đồ họa.

Em Đoàn Thị Hường

Hà Danh Dự (26/02/2000), một cậu bé nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn đã phải trải qua một thời gian khó khăn phải đi ăn xin khắp nơi tại các góc chợ Đông Ba, chợ An Cựu, chợ Tây Lộc,… cùng bố để sống sót. Mẹ em không được tỉnh táo như người bình thường nhưng cũng vẫn phải đi đây đi đó cùng em trai Dự để kiếm ăn. Những người thân thích của gia đình đều không muốn giúp đỡ, thậm chí chối bỏ vì hoàn cảnh của mẹ em. Em không có cơ hội được đến trường, đi học và vui chơi như các bạn cùng trang lứa. Thậm chí em đã phải vào trại giam An Hòa với bố và nếm trải mùi đời khắc nghiệt từ những người lang thang cơ nhỡ hư hỏng, những thành phần ở tận đáy của xã hội ở đây. Không lâu sau, bố em mất vì bệnh tật còn mẹ thì không được gia đình chấp nhận nên lại lang thang đây đó. Từ khi được Trung tâm BTTE Xuân Phú nhận nuôi, Dự đã và đang trưởng thành lên rất nhiều, em thường xuyên giúp đỡ các em nhỏ và phụ giúp thầy cô tại trung tâm, việc học tập và các hoạt động thể thao đều đạt được những thành quả đáng khen.

Em Hà Danh Dự

Em Lê Thị Ngọc Ánh (21/11/2000) lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn khi không lâu sau khi trận lũ lịch sử năm 1999 cuốn trôi tất cả tài sản của gia đình, mẹ Ánh lại không may qua đời vì bị sét đánh khi đang làm việc ở đồng ruộng. Chị em mới mười sáu tuổi đã phải nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình, Ánh thì ngoài giờ học phải ra đồng làm ruộng với bố. Cuộc sống quá vất vả và khó khăn đối với gia đình em. Em Ánh sau này cũng may mắn được nhận vào Trung tâm BTTE Xuân Phú, được sống và học tập cùng bạn bè và thầy cô ở đây. Ngoài học tập tốt, Ánh còn tích cực tham gia các hoạt động thể thao ở trung tâm và trường lớp như bóng đá, bơi lội, đánh đàn, hội họa. Em có niềm yêu thích đặc biệt với bóng đá, Ánh chia sẻ: “Bóng đá là môn thể thao rất dễ chơi đối với chúng em. Chiều nào đi học về là mấy đứa em tụ tập lại đá bóng ở sân rất vui vẻ. Bây giờ Trung tâm đã có sân cỏ mới, chơi cũng không còn đau chân như hồi trước nữa.”

Em Lê Thị Ngọc Ánh

Tuổi thơ em Trương Đình Hoàng (26/04/2001) cũng vô cùng bất hạnh khi em đã tận mắt chứng kiến sự ra đi đầy đau đớn của bố mình. Bố em mắc hội chứng thần kinh từ lúc đi lính về và khi bệnh tình ngày một nặng hơn. Trong khi không kiểm soát được bản thân, bố em đã tự đổ dầu và đốt cháy mình. Sau 6 tháng đau đớn với những vết bỏng nặng, bố Hoàng đã mãi mãi ra đi. Em Hoàng tâm sự: “Những kí ức đau buồn đó về bố mãi mãi em không thể nào quên được. Sau khi bố mất, mẹ em phải bán ngôi nhà để trả nợ, mọi người tối đến lại phải ra gầm cầu, ra chợ để ngủ.” Sau một thời gian, mẹ em quyết định đi xa làm ăn, em Hoàng về ở với bà ngoại, được bà cố gắng bán bánh nậm, bánh lọc để cho em đi học. ít lâu sau, khi hoàn cảnh của em được Trung tâm BTTE Xuân Phú biết đến, em đã được nhận vào ngôi nhà chung này. Em Hoàng cũng thường xuyên tham gia vào đội bóng của lớp, em chia sẻ với chúng tôi về sự khác nhau giữa bóng đá cạnh tranh và bóng đá không cạnh tranh khi sinh hoạt cùng mọi người: “Khi ở trường có các giải bóng đá giữa các khối lớp với nhau, em cùng các bạn tập luyện rất hăng say với mong muốn giành chiến thắng. Nhưng khi đá bóng cùng các bạn ở Trung tâm hoặc tham gia các ngày hội bóng đá vui do FFAV tổ chức, chúng em tham gia với tinh thần rất thoải mái, miễn là được cùng các bạn vui chơi, thắng thua không còn là vấn đề nữa.”

Em Trương Đình Hoàng