Thông cáo báo chí " Tăng cường kết nối cho thanh niên thực hiện khát vọng truyền thông bảo vệ môi trường"

28/11/2020 Thứ bảy

Hà Nội, ngày 28/11/2020, Dự án “Thanh niên vì Môi trường – Youth For Environment” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức buổi Đối thoại “Thanh niên và báo chí – Hành động vì môi trường xanh” với sự tham dự của hơn 30 nhà báo và hơn 40 thanh niên quan tâm đến các hoạt động vì môi trường.

VSF

Mục đích của đối thoại là tăng cường kết nối hành động của nhà báo và thanh niên trong việc ứng phó với các vấn đề môi trường hiện nay, thúc đẩy truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.  Đồng thời, chương trình là diễn đàn để thanh niên lên tiếng, cùng với các nhà báo chia sẻ, đề xuất các ý tưởng nhằm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn trong truyền thông về môi trường.

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV năm 2020, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo những chuyển biến rõ nét của Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ môi trường, và đặc biệt đặt mục tiêu: “Chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu”  trong phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025. Để thực hiện được điều này, Thủ tướng cũng kêu gọi sự đoàn kết, chung tay của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức và đặc biệt là toàn thể nhân dân.

Là một trong 13 sáng kiến được chọn của Mạng lưới Báo chí Toàn cầu (Earth Journalism Network) năm 2019, dự án “Thanh niên vì Môi trường - Youth For Environment” hướng đến tăng cường sự tham gia của thanh niên trong các hoạt động vì môi trường. Ngoài việc tạo kênh truyền thông hướng đến giới trẻ do nhóm Mắt Xanh - nhóm thanh niên nòng cốt của dự án thực hiện, dự án còn tổ chức các tọa đàm giữa thanh niên và 3 nhóm đối tượng: doanh nghiệp, báo chí và tổ chức xã hội để thúc đẩy cơ hội kết nối, cơ hội triển khai các sáng kiến của thanh niên trong lĩnh vực này. Đồng thời, dự án góp phần thúc đẩy thay đổi chính sách của chính phủ và doanh nghiệp với các vấn đề môi trường vì sự phát triển bền vững.

Nối tiếp thành công của Đối thoại với doanh nghiệp ngày 17/10, dự án tiếp tục mang đến cơ hội cho hơn 40 thanh niên được gặp gỡ và tham gia đối thoại với hơn 30 nhà báo trong ngày 28/11. Truyền thông bảo vệ môi trường giữ một vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu để tuyên truyền và thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường hiệu quả thông qua nhiều hình thức đa dạng. Trong những năm gần đây, công tác truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững đã ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Các sự kiện môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm của các công ty xả thải bừa bãi hay câu chuyện xung quanh khu tập kết rác thải luôn là điểm nóng được chú ý của các cơ quan báo chí, truyền thông. Môi trường trở thành mảng đề tài được nhiều nhà báo, phóng viên quan tâm, khai thác. 

Trong khi đó, cũng có rất nhiều dự án, chiến dịch, các đội, nhóm, câu lạc bộ trong thanh niên được thành lập để truyền thông về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, các vấn đề môi trường và xu hướng truyền thông luôn thay đổi, các bạn trẻ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác truyền thông, cũng như lan tỏa những hành động xanh, thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường của những người xung quanh và cộng đồng.

Đối thoại “Thanh niên và báo chí – Hành động vì môi trường xanh” giúp kết nối nhóm thanh niên - thế hệ có sự nhiệt huyết và những ý tưởng sáng tạo trong các hoạt động bảo vệ môi trường với các nhà báo để chia sẻ, đề xuất các ý tưởng nhằm giải quyết các khó khăn trong truyền thông về môi trường.  

Trình bày tại buổi Đối thoại, chị Trần Lệ Thùy - Nhà báo - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI chia sẻ thực trạng của báo chí truyền thông, và cho biết “Muốn làm báo chí môi trường không chỉ là nhìn những đối tượng mà còn phải nhìn cả xu hướng của báo chí”.

Buổi đối thoại còn có sự tham gia trình bày của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng , hiện đang công tác tại Báo Dân Việt, được biết tới nhiều nhất qua những thiên phóng sự/ phóng sự điều tra có nhiều khám phá độc đáo, giàu sức chiến đấu bảo vệ công lý và giàu giá trị nhân văn. Anh chia sẻ về quá trình tác nghiệp điều tra báo chí bảo vệ rừng và cách để những tác phẩm báo chí có ích cho cộng đồng. “Chúng tôi muốn đi sâu và giải quyết các vấn đề về môi trường, muốn những kẻ phá hoại phải bị đưa ra trước pháp luật chứ không chỉ dừng lại việc phản ánh các sự việc!” – anh truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tại buổi Đối thoại.

Anh Nguyễn Trường Sơn, phóng viên, BTV phòng Văn hóa - Xã hội, trung tâm Tin tức VTV24, đài truyền hình Việt Nam chia sẻ: “Nhà báo không chỉ phản ánh các vấn đề về môi trường, mà còn phải góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng”.

Tại phiên thảo luận, nhiều bạn trẻ đã được giải đáp những thắc mắc về việc truyền thông các vấn đề môi trường, cũng như cách kết nối với mạng lưới các nhà báo môi trường từ các khách mời và các nhà báo tham gia buổi đối thoại.

Bên cạnh đó, về phía các bạn thanh niên, đại diện nhóm Mắt Xanh trình bày phóng sự do nhóm thực hiện thông qua chuyến thực địa tại Cát Bà vào tháng 10 vừa qua, đồng thời, chia sẻ về thuận lợi và khó khăn khi phản ánh về vấn đề môi trường trong các hoạt động mà nhóm đang thực hiện. 

Buổi đối thoại kỳ vọng sự kết hợp hiệu quả giữa báo chí - thanh niên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt với giới trẻ và tạo thành sức mạnh tập thể, tạo nên những thay đổi, từng bước giải quyết những thách thức về môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam.