Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa và Triển lãm tranh “Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng”

02/08/2022 Thứ ba

Rất nhiều bạn trẻ đã có cùng quan điểm về tình trạng rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa đến tham gia Triển lãm "Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng" được tổ chức đợt 2 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ ngày 1 - 5/8/2022 nhằm thay đổi nhận thức của thanh niên về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.

VSF

Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy các biện pháp nâng cao nhận thức và trách nhiệm với cộng đồng trong phòng, chống rác thải nhựa đã đem đến những hiệu quả nhất định.

Ngạc nhiên trước thông tin Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa, bạn Phạm Xuân Hải Anh, sinh viên Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm: "Mình thấy các sản phẩm từ nhựa đem lại tiện lợi rất lớn trong cuộc sống, tuy nhiên, chúng ta cần biết cách tái chế để bảo vệ môi trường một cách tốt nhất".

Hải Anh cũng cho rằng, do sự tiện lợi cùng với thói quen sử dụng túi nilon của người dân chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam.

Khi đề cập tới các giải pháp thay thế các sản phẩm nhựa hiện nay, bạn Nguyễn Hoàng Thuỷ Tiên, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Thay vì sử dụng nhựa, chúng ta nên sử dụng các chất liệu khác như giấy, tre,... 

Ngoài ra, mình quê ở Đắk Lắk, mình thấy việc đã có công nghệ sản xuất giày sử dụng bã cà phê rồi, biết đâu trong tương lai sẽ có thêm nhiều sản phẩm được làm từ nguyên liệu này như túi hay các vật dụng khác trong cuộc sống chẳng hạn".

Được biết, hiện nay, nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên, hầu hết trường đại học đều có ít nhất 1 CLB/Tổ/Đội/Nhóm làm tình nguyện và lên tiếng về môi trường, tổ chức các sự kiện liên quan đến vấn đề rác thải nhựa. 

Theo bạn Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), sau mỗi hoạt động, chương trình, thái độ của các bạn sinh viên đối với vấn đề rác thải nhựa đã dần có những chuyển biến: "Bình thường, các bạn sinh viên hay có thói quen mua cốc nước và ống hút hay mua các loại nước ngọt khi lên lớp, sau đó, lại vứt lại những chiếc chai nhựa ấy ngay chính giảng đường. 

Nhiều bạn sau khi sử dụng quá nhiều đồ nhựa đã thay đổi thói quen, chuẩn bị bình nước cá nhân, bình nước sử dụng nhiều lần để tránh xả rác ra môi trường. Mình thấy đây là một tín hiệu rất tốt và tích cực vì ngay chính bản thân các bạn đã tự nhận thức và tự thay đổi vì chính cuộc sống của mình".

Bên cạnh đó, rất nhiều bạn thanh niên mong muốn có nhiều hoạt động triển lãm, cuộc thi nâng cao kiến thức về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa được tổ chức. Lần đầu tiên tham gia tổ chức triển lãm tranh, bạn Trần Huyền Trang, tình nguyện viên tại triển lãm "Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng" nhận thấy kiến thức của thanh niên về môi trường được nâng cao rất nhiều, đồng thời các bạn trẻ đã dành sự quan tâm đặc biệt về vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.

"Trong thời gian tổ chức triển lãm, có nhiều bạn sinh viên, thành viên các tổ chức hoạt động về môi trường đã đến và bình luận cùng em về những kiến thức về môi trường. Điều này mới lạ hơn so với thế hệ trước" - bạn Trần Huyền Trang nói.

Đồng tổ chức triển lãm "Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng", bạn Trần Thị Khánh Linh, Trưởng nhóm Mắt Xanh - Thanh niên vì môi trường chia sẻ: "Việc bài trừ nhựa dường như là một vấn đề hoàn toàn bất khả thi trong giai đoạn hiện nay. 

Nếu hiện tại chúng ta chưa thể tìm ra một loại vật liệu có thể thay thế cho nhựa, phù hợp với túi tiền của cộng đồng nói chung thì chỉ có cách thay đổi cách sử dụng nhựa, thay đổi nhận thức của mỗi người. Đây cũng là mục tiêu của không chỉ triển lãm tranh "Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng" mà còn là mục tiêu chung của các hoạt động về bảo vệ môi trường".

Nguồn: https://danviet.vn/ha-noi-trien-lam-tranh-plastic-talk-khi-nhua-len-tieng-202208012244483.htm?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo%27