Những lưu ý với phụ nữ đang cho con bú nếu mắc Covid-19 và việc tiêm vắc xin phòng Covid-19

10/09/2021 Thứ sáu

Với sự lan rộng của dịch bệnh, vaccine dường như là giải pháp tối ưu nhất để cuộc sống bình thường sớm được trở lại. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nằm trong nhóm ưu tiên và khuyến khích tiêm khi vaccine covid-19 đem đến nhiều điểm lợi hơn cho cả mẹ và bé

VSF

  Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho đến nay, việc lây truyền vi rút Corona gây ra dịch bệnh Covid-19 qua sữa mẹ và qua việc cho trẻ bú mẹ vẫn chưa được phát hiện. Do vậy, người mẹ vẫn nên và cần cho trẻ bú sữa mẹ bình thường nếu chẳng may mắc Covid-19.

  Duy trì việc cho trẻ bú sữa mẹ, đặc biệt là trong 6 tháng đầu, không chỉ giúp cung cấp dưỡng chất và kháng thể cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp cải thiện sức khỏe của chính các bà mẹ. Không có bằng chứng cho thấy việc cho trẻ bú làm thay đổi quá trình diễn biến lâm sàng của bà mẹ mắc Covid-19.

  Cũng theo WHO, ngay sau sinh, nếu người mẹ mắc Covid-19 thì vẫn nên thực hiện da kề da với trẻ ngay lập tức và liên tục, bao gồm cả chăm sóc trẻ theo phương pháp Kangaroo, nhằm cải thiện việc kiểm soát thân nhiệt của trẻ sơ sinh. Đặt trẻ sơ sinh gần mẹ cũng giúp cho trẻ được bú mẹ dễ dàng và nhanh hơn. Những lợi ích của việc tiếp xúc da kề da và cho trẻ bú sữa mẹ về cơ bản vượt trội so với nguy cơ có thể của việc lây truyền và bệnh tật liên quan đến Covid-19.

                              

     Những biện pháp mà WHO khuyên phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên thực hiện

 Tuy nhiên, trong trường hợp mắc Covid-19, người mẹ cần thực hiện các biện pháp sau để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút cho trẻ và người xung quanh:

• Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dùng dung dịch rửa tay có cồn đặc biệt là trước khi chạm vào trẻ.

• Đeo khẩu trang y tế bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú. Phải thay khẩu trang ngay khi thấy khẩu trang bị ẩm và loại bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy. Không nên tái sử dụng khẩu trang y tế hoặc chạm vào mặt trước của khẩu trang.

• Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy. Sau đó loại bỏ khăn giấy ngay và rửa tay lại.

• Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà người mẹ đã chạm vào.

 Trong trường hợp người mẹ cảm thấy không đủ khỏe để tự cho trẻ bú thì có thể vắt sữa, cho trẻ bú nhờ, tìm đến ngân hàng sữa mẹ hoặc sử dụng sữa công thức.

 Về việc tiêm vắc xin, theo WHO, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm được vắc xin phòng Covid-19. Tất cả vắc xin được phê duyệt hiện nay không sử dụng vi rút còn sống, do đó không có nguy cơ lây nhiễm vi rút sang trẻ qua sữa mẹ. Một số bằng chứng cho thấy, sau khi tiêm vắc xin, các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ, vì vậy thể giúp bảo vệ trẻ chống lại Covid-19.

---

Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và hỗ trợ phụ nữ chăm sóc trẻ sơ sinh cũng là nội dung trong các buổi tập huấn, truyền thông và tờ rơi được phân phát trong khuôn khổ Dự án "Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt" do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) triển khai từ năm 2017 tại các khu công nghiệp. Đây là một dự án thuộc Chương trình Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản của VSF với mục tiêu nâng cao nhận thức và thực hành về chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nói chung, phụ nữ mang thai và cho con bú nói riêng, vì sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ em trong tương lai.