Thanh niên triển khai hiệu quả các dự án môi trường

31/01/2021 Chủ nhật

Trong giai đoạn từ tháng 10 – 12/2020, 5 dự án về môi trường của các bạn thanh niên đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các dự án này được hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật và tư vấn chuyên môn bởi Quỹ VTVV thông qua Quỹ sáng kiến “Vì không khí sạch – Thành phố xanh”, với sự tài trợ của Ngân hàng TMCP Bắc Á.

VSF

Dự án Nghệ thuật chữa lành vết thương môi trường

Dự án Nghệ thuật chữa lành vết thương môi trường đã kết thúc với nhiều thành tựu ấn tượng. Kết quả khảo sát cuối dự án cho thấy, sau 03 tháng hoạt động, 100% học sinh trường THCS Cẩm Sơn có những nhận thức đúng đắn về rác thải nhựa, hiểu được vai trò của bản thân trong việc giảm rác thải nhựa. 60% các em học sinh có thực hành “Sống xanh – Giám rác thải nhựa” bằng các hành động cụ thể. Ngoài ra, CLB Kịch ứng tác bao gồm 23 em học sinh nòng cốt sẽ là những tuyên truyền viên tiêu biểu, đưa các thông điệp ý nghĩa về bảo vệ, cải thiện môi trường đến với các em học sinh trong trường bằng mô hình kịch ứng tác.

 

Dự án không những thu hút được sự quan tâm và tham gia của 1.188 em học sinh, các thầy cô giáo, mà còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo ngành giáo dục, đoàn thanh niên và chính quyền địa phương. 


Trước khi tham gia dự án em chưa để tâm đến vấn đề môi trường, khi tham gia dự án và được tập huấn thì em đã có những suy nghĩ khác so với trước đây. Em đã biết rác thải nhựa phân hủy rất lâu và mình cần phải sử dụng ít đi để bảo vệ môi trường” - Chia sẻ của một học sinh tham gia dự án.

Dự án Nghệ thuật chữa lành vết thương môi trường của nhóm Mắt Xanh được thực hiện thành công tại THCS Cẩm Sơn, phường Cẩm Sơn,  Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, với mong muốn sử dụng nghệ thuật (kịch ứng tác) để giáo dục, tác động góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của các em học sinh về vấn đề rác thải nhựa nói riêng và các vấn đề môi trường nói chung thông qua các hoạt động như: Tập huấn kỹ năng và kiến thức kịch ứng tác cho nhóm Mắt Xanh; thành lập “CLB kịch ứng tác” tại trường học; tập huấn cho CLB kịch ứng tác; xây dựng sổ tay kỹ năng và hướng dẫn thực hành sống xanh; Hướng dẫn thực hành giảm thiểu rác thải nhựa; tổ chức cuộc thi “Nhật ký sống xanh – Giảm rác thải nhựa - Cứu sống tương lai”; chương trình “Nghệ thuật chữa lành vết thương môi trường”. 

 

Dự án Climate Action

Sau 2 tháng triển khai, Dự án Climate Action đã kết thúc và đạt được những kết quả khả quan như: fanpage của dự án thu hút có gần 1.000 người theo dõi, 150 người tham gia cuộc thi “7 ngày sống xanh”, hơn 1.000 người tham gia tọa đàm “Đời của nhựa”, 40 người tham gia cuộc thi “Công trình xanh”, thành lập “CLB Sống xanh” với 12 thành viên nòng cốt (hiện tại CLB đang triển khai hoạt động thu gom nắp chai để làm tác phẩm nghệ thuật, CLB này sẽ tiếp tục hoạt động khi dự án đã kết thúc). Khảo sát cuối dự án cho thấy, 100% học sinh có kiến ​​thức bổ ích về rác thải nhựa; 100% học sinh được tiếp cận với các sản phẩm tái chế kết hợp công nghệ.


Chương trình rất vui và bổ ích. Nó không chỉ giúp chúng em có được một sân chơi sáng tạo, sôi động sau những giờ học căng thẳng, mà còn cung cấp thêm cho chúng em rất nhiều kiến thức về vấn đề rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, đó còn là cơ hội để chúng em thể hiện tài năng của bản thân, xây dựng kĩ năng làm việc nhóm, giao lưu, kết bạn và học hỏi nhiều điều. Qua đó, chúng em có ý thức, trách nhiệm hơn và cùng với đó là những hành động trong việc bảo vệ môi trường sống. Cảm ơn anh chị, thầy cô đã tạo nên dự án ạ” - Chia sẻ của bạn Nguyễn Thúy Hiền, lớp 11A1.


Dự án Climate Action của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được thực hiện tại trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội. Dự án nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như xây dựng fanpage, tổ chức cuộc thi “7 ngày sống xanh”, tọa đàm “Đời của nhựa”, tổ chức cuộc thi “Công trình xanh”, thành lập câu lạc bộ “Sống xanh”. Các hoạt động của dự án đã thu hút sự tham gia của 1500 học sinh, 20 giáo viên và 32 tình nguyện viên (TNV).

Dự án Sức mạnh xanh 23

Dự án Sức mạnh xanh 23 với hoạt động chính là tổ chức một cuộc thi online mang tên “Dũng sĩ tái chế” thông qua fanpage của dự án, cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo, các sản phẩm tái chế. Sau một thời gian phát động, BTC cuộc thi đã nhận được 20 sản phẩm tái chế của các bạn thanh niên trên khắp cả nước gửi về. Với sự hỗ trợ của Ban giám khảo là các chuyên gia đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, BTC đã lựa chọn và trao giải nhất cho nhóm Menrva Project đến từ TP. Hồ Chí Minh với các sản phẩm tái chế từ quần áo cũ.


Qua cuộc thi “Dũng sĩ tái chế”, Dự án mong muốn khích lệ tinh thần giảm thiểu rác thải và tái chế/tái sử dụng đồ dùng nhựa của giới trẻ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc bảo vệ môi trường mà xã hội đang hướng tới. Hơn nữa, Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là những bạn trẻ, hình thành thói quen hàng ngày là giảm thiểu rác thải và tái sử dụng nhựa.

Dự án Sức mạnh xanh 23 do một nhóm các em học sinh đến từ các THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và lan tỏa lối sống xanh cho cộng đồng.

Dự án Hue GE Tour

Dự án Hue GE Tour đã thực hiện được 4 khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất nước tẩy rửa sinh học Garbage Enzyme (GE) từ rác thải hữu cơ cho 82 hội viên của Hội LHPN. Bên cạnh đó, dự án cũng thành lập fanpage để lan tỏa tinh thần sống xanh cho các hội viên, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật online cho những người không có cơ hội tham gia tập huấn. Ngoài ra, cuốn tài liệu hướng dẫn làm GE dưới dạng ebook cũng được hoàn thành, tài liệu này sẽ được dùng trong các buổi tập huấn và lan tỏa rộng rãi cho cộng đồng

 

Có thể nói, dự án không những giúp giảm thiểu lượng rác thải hữu cơ trực tiếp ra môi trường, mà còn tiết kiệm chi phí, giảm sản phẩm hóa chất công nghiệp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Không những thế, hoạt động này có thể được nâng tầm kinh doanh sản phẩm sinh học tự làm cho các hộ dân tại địa phương, một xu hướng đang phát triển mạnh không chỉ ở Huế mà ở các tỉnh thành khác trong nước.

 

Dự án Hue GE Tour được thực hiện tại TP. Huế bởi nhóm Hue Eco Homestay, dự án hướng tới mục tiêu nâng cao kiến thức phân loại rác và tận dụng 1 phần rác thải hữu cơ để làm sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Trong thời gian tới, dự án tiếp tục thực hiện 7 khóa tập huấn cho các hội viên Hội LHPN tại TP. Huế.

Dự án Sân khấu vì Môi trường

Dự án Sân khấu vì Môi trường được bắt đầu với một khóa tập huấn (11 buổi) về kiến thức viết kịch bản và biểu diễn hài kịch bao gồm Hài ứng tác, Hài tiểu phẩm, Hài độc thoại trên sân khấu, kỹ năng quay dựng clip cho 15 học viên nòng cốt. Tiếp đến, nhóm học viên nòng cốt đã tổ chức thành công 2 đêm diễn nghệ thuật Hài kịch ứng tác với sự tham dự của gần 100 khán giả là các bạn trẻ tại Hà Nội. Thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật này, các bạn trẻ đã được tiếp nhận các thông điệp về môi trường một cách thú vị và hài hước, từ đó có các hành động nhỏ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe bản thân.


Với mục tiêu truyền thông tăng cường kiến thức về ô nhiễm không khí và hình thành thói quen nâng cao sức khỏe bản thân thông qua hình thức nghệ thuật kịch sân khấu. Nhóm Rotten Grapes – Quả nho thối đã truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường một cách mới lạ và sáng tạo thông qua hình thức nghệ thuật kịch sân khấu. 

Trong thời gian tới, dự án sẽ thực hiện 5 video hài kịch về môi trường nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.