Triển lãm 'Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng': Khi nghệ thuật được lấy cảm hứng từ rác thải nhựa

02/08/2022 Thứ ba

Triển lãm tranh "Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng" thu hút nhiều thanh niên tham gia, hưởng ứng về giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.

VSF

17 tác phẩm xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Plastic talk - khi nhựa lên tiếng" do Quỹ Vì tầm vóc Việt và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) tổ chức đang được trưng bày tại Trường đại học Kinh tế quốc dân, từ ngày 1 đến 5-8.

Bên cạnh triển lãm tranh, chương trình còn tổ chức chiếu phim ngắn liên quan đến vấn đề hạn chế rác thải nhựa và bảo vệ môi trường, ngoài ra, sau khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, khách tham quan còn được tham gia các trò chơi trí tuệ về rác thải nhựa và nhận những phần quà hấp dẫn từ ban tổ chức.

Theo ban tổ chức, Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong số các nước trên thế giới có lượng rác thải nhựa đổ ra biển lớn với 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm. Thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam đang ngày càng báo động và trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Bạn Ngô Hồng Thái Đức (sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ: "Thật ra ai cũng quan tâm đến vấn đề này. Nhưng làm gì thì không phải ai cũng biết, triển lãm cho mình biết mình phải làm gì để chung tay làm giảm rác thải nhựa ra môi trường, khi mà mình biết rồi thì mình thực hiện nó cũng dễ dàng hơn".

Bạn Nguyễn Tường Vy (sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cảm thấy các tác phẩm trong triển lãm đều rất ấn tượng, các bức tranh lột tả được thực trạng đáng báo động về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.

"Em đặc biệt có ấn tượng với tác phẩm ‘Liệu sinh vật này có thực sự tồn tại?’, nó cho thấy nếu ta vẫn không quan tâm đến môi trường và tiếp tục thải ra môi trường những rác phẩm độc hại, thì sớm muộn thế giới của chúng ta cũng bị nhựa xâm chiếm, sinh vật ‘nhựa’ hoàn toàn có thể xuất hiện trong tương lai" - bạn Nguyễn Tường Vy chia sẻ.

Bạn Nguyễn Tường Vy có ấn tượng sâu sắc với tác phẩm "Liệu sinh vật này có thực sự tồn tại?" 
 

Gắn bó với dự án từ những ngày đầu đến nay, bạn Nguyễn Thị Thanh Hằng (sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền) mong muốn thông qua chương trình, mọi người có góc nhìn rõ ràng hơn về tác hại của rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm trắng - một vấn đề đang nhức nhối tại Việt Nam hiện nay.

Chị Nguyễn Xuân Dung (thành viên trong Ban tổ chức dự án Mắt Xanh - Thanh niên vì môi trường thuộc Quỹ Vì tầm vóc Việt) cho biết việc chọn Đại học Kinh tế quốc dân là điểm trường thứ hai để triển lãm nhằm lan tỏa những ý nghĩa, thông điệp, hình ảnh truyền thông về bảo vệ môi trường.

"Chúng mình mong muốn trước tiên là nâng cao hiểu biết của các bạn thanh thiếu niên về vấn đề nhựa, nhận thức được hành vi sử dụng nhựa cùng với thực trạng, hậu quả của ô nhiễm môi trường.

Sau đó, từ những thay đổi về nhận thức, các bạn sẽ dần dần thay đổi về thói quen sinh hoạt, hình thành những thói quen mới để hướng tới môi trường tốt đẹp hơn, có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường như: giảm thiểu rác thải nhựa, thay thế những sản phẩm làm từ nhựa bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn" - chị Dung chia sẻ.

Trước đó, triển lãm đã được trưng bày tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình nhân dịp tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2022.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ