5 lý do bạn nên tham gia cuộc thi Plastic talk – Khi nhựa lên tiếng
11/08/2021
76 lượt xem
Bạn có năng khiếu về làm video, thiết kế poster, chụp ảnh, vẽ tranh, hay làm podcast? Dịch Covid đang "cho" bạn khá nhiều thời gian rảnh rỗi? Còn chần chờ gì mà không tham gia ngay PLASTIC TALK - cuộc thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông về môi trường đang diễn ra online dành cho công dân Việt Nam từ 16-30 tuổi
5 lý do dưới đây sẽ lí giải tại sao bạn KHÔNG NÊN BỎ LỠ cuộc thi đầy thú vị và ý nghĩa trong mùa dịch này
1. Hình thức sản phẩm dự thi đa dạng
Plastic Talk là một "sân khấu biểu diễn" dành cho các tín đồ ưa thích sự sáng tạo, đặc biệt với chủ đề "nhựa". Với 3 hình thức chính, cuộc thi là sự giao lưu giữa các sản phẩm truyền thông đa dạng, bao gồm (1) phim ngắn, phóng sự, đồ họa chuyển động; (2) truyện tranh, tranh vẽ, poster, ảnh chụp; (3) podcast. Không chỉ vậy, mỗi tác giả có thể gửi nhiều sản phẩm dự thi, cũng như được lựa chọn dự thi cá nhân hoặc theo nhóm (tối đa ba người).
Dù có ưu thế về làm việc độc lập hay đang thuộc một nhóm "cạ cứng", đây cũng là một cơ hội tuyệt vời cho các bạn trẻ thử sức trong mùa dịch này.
2. Giải thưởng hấp dẫn
Là một cuộc thi dành cho giới trẻ, Plastic Talk thu hút được sự tham gia đồng hành và tài trợ của 11 tổ chức và doanh nghiệp với mong muốn thúc đẩy sự sáng tạo của thanh niên với các thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Đó là lý do các cá nhân và nhóm tham gia có cơ hội cùng chia sẻ tổng giá trị giải thưởng lên đến 42 triệu đồng với 10 giải thưởng khác nhau. Trong đó, giải nhất trị giá 5 triệu đồng, giải nhì trị giá 3 triệu đồng, giải ba trị giá 2 triệu đồng. Ngoài ra, giải thưởng trị giá 2 triệu đồng sẽ được trao cho sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ cộng đồng mạng.
3. Đối tượng truyền thông "từ nhà ra phố"
Vì sao lại nói như vậy? Plastic Talk thực sự nhắm đến nhiều đối tượng khác nhau cho các tác giả lựa chọn. Đừng lo lắng nếu bạn chưa thể nghĩ ra được đối tượng cho sản phẩm truyền thông của mình, Plastic Talk sẽ gợi ý cho bạn.
Một là nhóm đối tượng tổ chức, doanh nghiệp như siêu thị, nhà hàng/quán ăn, nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống. Chắc chắn bạn đã đến nhiều địa điểm trong nhóm đối tượng như: cửa hàng tiện lợi, quán trà sữa, quán nướng rồi chứ? Liệu đã từng có ý tưởng truyền thông nào nảy ra trong đầu bạn khi đến đó hay không? Hãy hiện thực hóa nó và để Plastic Talk giúp bạn lan tỏa thông điệp ý nghĩa về nhựa nhé!
Nhóm đối tượng thứ hai hướng đến các cá nhân, bao gồm khách du lịch, học sinh, sinh viên, lao động trẻ. Trong hành trình của mình, bạn đã từng muốn lan tỏa những thông điệp gì cho chính bản thân và bạn bè xung quanh, hay những người bạn từng gặp? Hãy thể hiện bằng những sản phẩm truyền thông sáng tạo của mình. Biết đâu đó chính là những thông điệp khuyến khích những hành động nhỏ bảo vệ môi trường và mang đến cho bạn những cơ hội mới!
Nào, bây giờ hãy cân nhắc thêm chủ đề: thực trạng ô nhiễm môi trường nói chung, vấn đề rác thải nhựa nói riêng, tác hại của ô nhiễm rác thải nhựa hay kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường để bắt tay vào sáng tác ngay thôi!
4. Cơ hội mở rộng mối quan hệ và phát triển bản thân
Tham gia cuộc thi "Plastic Talk", các ứng viên được tìm hiểu kiến thức về nhựa từ tập huấn trực tuyến và giải đáp các thắc mắc về cuộc thi thông qua Fanpage Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường. Việc tham gia vào một cuộc thi có nhiều nhóm sản phẩm khác nhau mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi với một cộng đồng có chung sở thích để cùng nâng cao kiến thức và kỹ năng về các lĩnh vực liên quan.
Ban giám khảo của Plastic Talk là những chuyên gia trong lĩnh vực Báo chí, môi trường, truyền thông, vì vậy, các tác giả còn có cơ hội được giao lưu trực tiếp với các thành viên của ban giám khảo thông qua các vòng thi sau.
Đặc biệt, các sản phẩm đạt giải sẽ được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, ấn phẩm trong hàng loạt các sự kiện truyền thông phi lợi nhuận về môi trường sau cuộc thi. Tác giả của các sản phẩm này sẽ có cơ hội cùng tham gia thực hiện chiến dịch truyền thông và các dự án về nhựa của Ban tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
5. Cách thức gửi hồ sơ dự thi hợp lý
Một cuộc thi cho phép gửi sản phẩm dự thi online còn gì tuyệt vời hơn trong bối cảnh này? Ngoài thư điện tử, các sản phẩm còn có thể được gửi qua bưu điện tới ban tổ chức. Điều này vừa giúp các tác giả tiết kiệm thời gian gửi tác phẩm dự thi, vừa đáp ứng được thực tế nhiều tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, phòng chống đại dịch.
Như vậy, dù bạn thiết kế bản mềm, file dữ liệu/âm thanh, hay sáng tạo các sản phẩm truyền thông bằng giấy, đồ tái chế thì cũng đều được chấp nhận trong cuộc thi. Hãy lưu ý rằng các sản phẩm dù dưới hình thức nào cũng cần thể hiện được đúng chủ đề cuộc thi, có những góc nhìn đặc sắc, sinh động về vấn đề môi trường, tính sáng tạo, sức lan tỏa, tính thẩm mỹ, tính thời sự, và đừng quên thuyết minh sản phẩm của mình thật hấp dẫn.
Truy cập ngay thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi tại: https://bit.ly/PlasticTalk để nộp hồ sơ trước ngày 31/8/2021
Trân trọng cảm ơn báo Người lao động và báo Tiền phong đã đưa tin về Cuộc thi!
-----
Chương trình "We Connect for Green" và cuộc thi "Plastic Talk" do VSF và GreenHub đồng triển khai, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng TMCP Bắc Á. Ngoài ra, chương trình còn có sự đồng hành của nhóm “Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường” và các doanh nghiệp: Công ty CP Tetra Pak Việt Nam, HTX Công nghiệp Tiến Bộ, Công ty CP SX&ĐT Bluestar Việt Nam, Công ty CP SIM Việt Nam, Công ty TNHH Đức Anh, Công ty TNHH Nhựa Đào Nguyên, Công ty TNHH Srithai Hà Nội.