Tìm kiếm

BÌNH THƯỜNG & BẤT THƯỜNG

20/06/2023

34 lượt xem

Có những cái sai, vì diễn ra quá lâu dài và liên tục, đã trở thành cái bình thường. Thậm chí nó biến những cái đúng thành bất thường. Cuộc đấu tranh chống lại nạn tảo hôn, và quyền đi học của trẻ em gái ở Vân Hồ là cuộc đấu của những định nghĩa như thế.

CÁI BÌNH THƯỜNG

Ở Vân Hồ, bạn sẽ gặp Mùa Thị Dáy (*). Tám năm trước, cô bé 17 tuổi đang đi một con đường bình thường của hàng triệu trẻ em Việt Nam: hàng ngày đến trường phổ thông, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, và mơ ước về một tương lai được học chuyên ngành.

Nhưng cô đối mặt với một định nghĩa khác về sự bình thường. Con đường Dáy đang theo đuổi, với rất nhiều người trong cộng đồng, là bất thường. “Sao con gái nhà này 17 tuổi rồi chưa lấy chồng”, họ nói. Nói rất nhiều.

Đó là một cộng đồng, mà nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến: thống kê chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, có đến 32% số trường hợp lấy vợ/chồng là tảo hôn. 17 tuổi chưa có chồng là có vấn đề, là bất thường. Sức ép lớn đến mức Dáy thực sự cảm thấy mình bất thường.

Rồi trong kỳ nghỉ Hè năm lớp 11, Dáy quy phục sự bình thường quy ước kia. Cô tìm một chàng trai và cưới làm chồng. Trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, thầy cô, và của cả chính bố mẹ mình.

Con đường học hành đóng lại. Cô rất thèm học. Nhưng lấy chồng rồi phải sinh con. Người con gái đó đã đi thi tốt nghiệp THPT khi con mới được 20 ngày tuổi. Và thế là hết. Thứ còn lại trong Dáy những năm tháng sau này, chỉ là những nuối tiếc, và câu hỏi mà chính cô không tự trả lời được, rằng tại sao lại quyết định như thế vào năm ấy.

Rồi Dáy cũng tìm thấy niềm vui trong việc chăm sóc những đứa con, làm nương. Chỉ còn đôi lúc tủi thân khi nhìn những người bạn cùng lứa đã đi học đại học, rồi xây dựng một sự nghiệp riêng. Cuộc đời cô dần trở nên bình thường.

Những quyết định bình thường ấy nối tiếp những quyết định bình thường khác. Những đứa trẻ nhìn vào một lối mòn và nghĩ rằng việc kết hôn sớm là bình thường. Các em quen nhau qua mạng, gặp nhau một, hay vài lần, hỏi nhau “Cưới không?”, rồi thành vợ chồng ở tuổi 14, 15, một cách bình thường.

VÀ CÁI BẤT THƯỜNG

Nhưng cũng có những người không bao giờ chấp nhận đó là một thực tế bình thường. Như cô Vũ Thị Hòa ở trường THCS Lóng Luông. Cô đã ở vùng Mộc Châu và Vân Hồ này 15 năm; đã chứng kiến không biết bao nhiêu lứa học sinh bỏ học để đi lấy vợ lấy chồng.

“Nhưng mỗi lần nghe các bạn trong lớp báo có bạn lấy chồng rồi, mình vẫn choáng lắm”, cô nói. Cô vẫn choáng như ngày đầu tiên chân ướt chân ráo lên vùng cao nguyên này. Và vẫn dành một năng lượng y nguyên, để chống lại cái bất thường đó.

Đã có lúc, sau 15 năm, cô tưởng rằng mình đã đến gần với một lần thành công. Đó là khi cô thuyết phục được một bạn gái lớp 8 trốn khỏi “nhà chồng” để trở về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng rồi biết bao nhiêu thứ rào cản, bao gồm cả thần quyền, dựng lên, chỉ để cô sụp đổ lần nữa: em trốn khỏi cuộc tảo hôn này, nhưng rồi mấy tháng sau lại tảo hôn với “người chồng” khác.

Nhưng lần thứ 100 cũng như lần đầu, cô Hòa vẫn không nuốt được thực tế ấy. “Các bạn bé lắm, mình đón vào trường năm lớp 6 bé tí, biết gì đâu”, cô nói. Cô vẫn cùng đồng nghiệp cặm cụi đi thuyết phục từng em, từng lần, từng tiết học, buổi ngoại khóa. Người giáo viên đã sống ở đây đủ lâu để hiểu tất cả những quan niệm, những rào cản và thậm chí thấm đẫm sự bất lực trong việc ngăn chặn nạn tảo hôn. Nhưng bất thường, vẫn là bất thường.

Ở đó, trên mảnh đất ruộng nương xen núi đá, những đứa trẻ bỏ học, lập gia đình từ tuổi 14, có thể là “bình thường” nếu chỉ lạnh lùng xét đến tần suất. Nhưng cũng ở đó, bạn vẫn bắt gặp những người như cô Vũ Thị Hòa; thầy hiệu trưởng Lường Văn Huyển của trường THCS Lóng Luông; hay gặp anh Giàng A Gia, phó chủ tịch xã Lóng Luông; gặp những người cương quyết coi cái thực tế ấy, dù nó diễn ra bao lần và bao lâu, là bất thường. Bạn gặp, và nhận ra rằng họ vẫn sẽ dành nguyên một năng lượng như thế, để đấu tranh chống lại những bất công – cho dù chỉ để nhận lại tổn thương thêm lần nữa.

Bạn gặp, và nhận ra rằng trẻ em gái phải lấy chồng sớm vì định kiến (“con gái 17, 18 tuổi chưa có chồng là bị làm sao”), phải bỏ học sớm vì định kiến (“bố mẹ nuôi ăn học rồi cũng đi lấy chồng”), hay không được phép vãn hồi một cuộc tảo hôn kể cả khi hối hận (“đã trở thành con ma nhà người”), tất cả đều là bất thường.

Và vẫn có những con người sống ở đó sẽ không ngừng ôm những bất thường ấy trong lòng, để lên tiếng.

Còn bạn nghĩ sao, sự bình thường có phải chỉ đo bằng tần suất? Hãy cùng chúng tôi Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng 👇👇👇

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

- Tác giả: Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO, nguyên Biên tập viên báo VnExpress và báo Lao động

- Ảnh: Phương Lê