Chia sẻ của diễn giả tại buổi “Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp”
01/03/2023
55 lượt xem
Đó là những chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong buổi “Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức tại Hà Nội ngày 28/02 vừa qua.
“Các hạt vi nhựa rã ra từ chất thải nhựa đi theo một vòng tuần hoàn từ đất đai lên cây trồng, động vật, thủy hải sản... xâm nhập vào cơ thể con người, khiến cho hệ thống, chức năng của cơ thể, gây nên nhiều bệnh từ tim mạch, nội tiết, bệnh thận, đặc biệt là gây nhiều loại ung thư”
Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh ảnh hưởng của rác thải nhựa đến môi trường sức khoẻ con người. Ông cho biết, rủi ro từ rác thải nhựa gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt chu trình xử lý chất thải từ thu gom đến vận chuyển, phân loại, rửa, đun nóng và nấu chảy nhựa.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người làm việc trong môi trường hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất thải nhựa sẽ bị tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp, các ảnh hưởng về da, mắt và các cơ quan cảm giác khác, hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch và thận,... và thậm chí gây đột biến gen.
Từ những ảnh hưởng trên, PGS.TS Nga đưa ra một số khuyến nghị về chính sách như xây dựng hướng dẫn về tính tuần hoàn và nhựa; Phát triển mạng lưới nghiên cứu và đổi mới về nhựa; Phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm nhựa và nhựa tái chế; Cần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng vật liệu, sản phẩm thay thế vật liệu, sản phẩm nhựa trước sự ô nhiễm từ chất thải nhựa;...
“Để giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thì từng cá nhân phải tự có ý thức tham gia bảo vệ môi trường, không sử dụng các sản phẩm là đồ nhựa dùng một lần” - ông cho biết thêm
Ngoài ra, ông Nga cũng kiến nghị nâng cao sự phối hợp và vào cuộc từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng sự phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chủ động phân loại rác ngay tại nguồn.