Tìm kiếm

Giới thiệu tác phẩm “Vị tiến sĩ hồi sinh đồi đá trơ trọi” - Giải Nhì hạng mục Truyền hình - Giải thưởng “Nữ Phóng viên Tiên phong vì Môi trường”

25/04/2023

88 lượt xem

Phóng sự được thực hiện bởi nhóm tác giả: Đào Thị Hồng Lĩnh, Nguyễn Trường đến từ Kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khái niệm “Nông nghiệp hữu cơ”; “Nông nghiệp bền vững”, tôn trọng tự nhiên rất thịnh hành ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người “mộng mơ” cho rằng, chúng ta có thể một sớm một chiều thay đổi hay nói cách khác chỉ làm từ “ngọn” mà quên mất rằng bao tầng đất đã bị thuốc trừ sâu, hoá chất và phương thức canh tác của con người phá hoại mà phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới có thể phục hồi để có thể có được hữu cơ từ “gốc”.

Bộ phim tài liệu này là câu chuyện của Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước - cựu Giảng viên Đại học Nông Lâm, chuyên gia về cây cacao và là Phó ban Điều phối Chương trình Cacao Quốc gia về hành trình hồi sinh Đồi đá trơ trọi. Mười năm trước, người thầy giáo về hưu đã quyết định trở về Đồng Nai để làm lâm nghiệp “fulltime”. Hiện trạng quả đồi những ngày đầu tiên chỉ toàn đá và đất xói mòn, đã bị rửa trôi, không một bóng cây ngọn cỏ. Cái tên “Stone Hill” được ra đời từ đấy.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ông từng bước nghiên cứu, phục hồi và làm giàu hữu cơ cho đất, cải tạo rừng đầu nguồn. Trong đó, khó khăn nhất là khâu phục hồi hữu cơ cho đất. Cùng với những kỹ thuật khác như ủ than hầm, sử dụng thiên địch, tận dụng mọi nguồn hữu cơ rẻ và dễ tìm, che phủ đất rừng bằng cây lá lốt,… ông Phước đã biến vùng đồi đá xơ xác thành một rừng cây tươi tốt chỉ trong vòng 4 năm. Trong khi đó, nếu để vùng đất này tái sinh tự nhiên thì có thể mất đến 40 năm. Trên tổng diện tích 13ha, có 5ha được người nông dân này sử dụng để trồng ca cao, còn lại trồng theo tiêu chuẩn đa dạng sinh học.

Những tảng đá lớn trơ trọi trước kia giờ được bao phủ bởi cây xanh và si. Năm vừa qua, Stone Hill Farm đã thêm một hồ nước để giúp trữ nước cho mùa khô và phục hồi nguồn nước ngầm, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương. Ông cũng mong muốn người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với những kỹ thuật trồng cây trên các sườn dốc này trên đất dốc này, để phát triển nông lâm nghiệp vừa có tính kinh tế, vừa bền vững và bảo vệ môi trường. Mục tiêu của Tiến sĩ Phước là phủ xanh toàn bộ diện tích, hấp thụ toàn bộ nguồn năng lượng mặt trời, không để một tia sáng nào lọt xuống đất hay mái nhà.

Hơn 10 năm kể từ ngày ông đặt chân tới quả đồi chỉ toàn đất đá bị xói mòn, rửa trôi và cũng là 10 năm Stone Hill hồi sinh trong sự nín thở của ông và nghi ngại của mọi người xung quanh. Nhưng một sự tích đã được viết nên - Trồng cây trên đá, nuôi cá trên đồi. Ông không mong sớm được tận hưởng những gì mình đang làm, vì còn rất nhiều thứ chúng ta đang phải trả giá vì đã hủy hoại thiên nhiên.

Chương trình không chỉ cung cấp góc nhìn mang tính khoa học thông qua câu chuyện truyền cảm hứng trên, mà còn khiến khán giả nhận ra rằng đó quả là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng, kiến ​​thức, kỹ thuật canh tác và kinh nghiệm để trả lại môi trường tự nhiên của đất và nước. Qua đó, thay đổi nhận thức của hơn 70% dân số làm nông nghiệp ở Việt Nam; và những nhà hoạch định chính sách để có cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên và đặt lên hàng đầu yếu tố bảo vệ môi trường.