Tìm kiếm

Quỹ sáng kiến

KÊU GỌI ĐỀ XUẤT SÁNG KIẾN VÌ MÔI TRƯỜNG NĂM 2024 - Chủ đề “Giải pháp bền vững trong giảm ô nhiễm nhựa”

14/08/2024

7795 lượt xem

Ô nhiễm nhựa là vấn đề môi trường cấp bách thứ hai sau biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) năm 2021, với hơn 8.000 tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi ngày, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia đứng đầu thế giới về ô nhiễm nhựa.

Nhựa dùng một lần được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

Không chỉ là mối nguy hại đối với môi trường tự nhiên, ô nhiễm nhựa cũng đe dọa kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, nhất là khi các hạt vi nhựa được tìm thấy trong thực phẩm thiết yếu và thậm chí trong cơ thể con người.

Sáng kiến vì Môi trường năm 2024 với chủ đề “Giải pháp bền vững trong giảm ô nhiễm nhựa” được thực hiện bởi Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Liên minh không rác Việt Nam, với sự đồng hành của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á, Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam và Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment).

Sáng kiến vì môi trường được thiết lập và hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao hiểu biết của cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động bảo vệ môi trường tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

Năm 2024, Sáng kiến vì môi trường sẽ tài trợ cho các sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa thông qua:

  • Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề ô nhiễm nhựa, tái sử dụng/tái chế nhựa, không sử dụng nhựa dùng 1 lần, giới thiệu và lan tỏa tới cộng đồng những giải pháp thay thế cho thực trạng đáng báo động của việc sử dụng nhựa dùng một lần 
  • Các ý tưởng, giải pháp kỹ thuật có tính ứng dụng thực tiễn nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Ví dụ: các sản phẩm/mô hình giảm thiểu phát thải ra môi trường, các mô hình tái sử dụng/tái chế nhựa.v.v. 

Lưu ý: Các sáng kiến ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, giảm nhựa sử dụng một lần trong các lĩnh vực như: du lịch, thực phẩm, đồ uống, tiêu dùng, mĩ phẩm, thương mại điện tử, vận chuyển logistics, y tế....

1. Điều kiện nhận tài trợ 

  • Sáng kiến được đề xuất và thực hiện bởi cá nhân hoặc nhóm thanh niên. Nội dung đề xuất tập trung vào các sáng kiến giáo dục truyền thông, giải pháp kỹ thuật nhằm góp phần giảm nhựa sử dụng một lần và giải quyết các vấn đề ô nhiễm nhựa. 
  • Đối tượng tham gia: Thanh niên trong độ tuổi từ 18-30 tuổi, quan tâm tới các vấn đề môi trường và yêu thích các hoạt động xã hội, có ý tưởng sáng tạo, đổi mới trong bảo vệ môi trường.
  • Có đơn, thư bảo lãnh hoặc giới thiệu của cơ quan, tổ chức là đối tác, nhà tài trợ/bảo trợ của nhóm sáng kiến (chỉ phải nộp khi được lựa chọn tài trợ). 
  • Địa điểm thực hiện sáng kiến: Toàn quốc 
  • Thời gian thực hiện: từ 10/2024 tới tháng 12/2024.

Lưu ý: Ưu tiên tài trợ cho các nhóm sáng kiến đã có kinh nghiệm triển khai dự án hoặc tài trợ cho các sáng kiến đã triển khai thành công giai đoạn đầu và cần kinh phí để triển khai giai đoạn tiếp theo.

2. Hồ sơ và Cách thức nộp

Hồ sơ gồm:

  • Đề xuất dự án và Bảng dự trù kinh phí: Tải mẫu đề xuất và mẫu ngân sách theo link sau: Mẫu đề xuất.
  • CCCD của người trưởng nhóm (chụp ảnh hoặc scan) 
  • Đơn, thư bảo lãnh hoặc giới thiệu của cơ quan, tổ chức là đối tác, nhà tài trợ/bảo trợ của nhóm sáng kiến. Gửi bản scan, có đóng dấu của cơ quan, tổ chức giới thiệu (chỉ phải nộp khi được lựa chọn tài trợ). 

Cách thức nộp hồ sơ:

  • Hồ sơ gửi theo form đăng ký dưới bài viết này

Mỗi cá nhân/nhóm có thể nộp nhiều hơn một đề xuất.

3. Tiêu chí lựa chọn đề xuất 

Nội dung phù hợp

  • Các sáng kiến góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm nhựa thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục; giải pháp kỹ thuật có tính ứng dụng thực tiễn. 
  • Các sáng kiến ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, giảm nhựa sử dụng một lần trong các lĩnh vực như: du lịch, thực phẩm, đồ uống, tiêu dùng, mĩ phẩm, thương mại điện tử, vận chuyển logistics, y tế....

Hiệu quả 

  • Đối tượng hưởng lợi chính của đề xuất có bao gồm những người dễ bị tổn thương do ô nhiễm nhựa không? Phụ nữ và trẻ em tham gia và hưởng lợi như thế nào? 
  • Kết quả cụ thể và tác động ngắn hạn, dài hạn của đề xuất là gì?  
  • Số lượng nhựa dùng một lần giảm được là bao nhiêu?

Sáng tạo 

  • Đề xuất có tính gì mới hay khác biệt? 

Tính khả thi/ Năng lực của người thực hiện 

  • Hoạt động, thời gian thực hiện và ngân sách của đề xuất có khả thi không? 
  • Những thách thức có thể gặp phải và giải pháp để giải quyết các thách thức là gì? 
  • Cá nhân/ nhóm đã có đầy đủ kinh nghiệm và nguồn lực để thực hiện không? 

Tính bền vững và khả năng nhân rộng 

  • Làm thế nào để duy trì các kết quả? 
  • Sáng kiến có khả năng nhân rộng hay mở rộng ra các  khu vực khác không? 

4. Ngân sách thực hiện 

Loại sáng kiến

Sáng kiến giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức

Các ý tưởng, giải pháp kỹ thuật có tính ứng dụng thực tiễn

Ngân sách tối đa

20.000.000đ/đề xuất

30.000.000đ/đề xuất

Lưu ý: 

  • Ngân sách chỉ bao gồm chi phí hoạt động, không chi trả tiền lương, tiền công cho thành viên dự án. 

5. Timeline và Quy trình tài trợ

5.1. Timeline:

Nội dung

Thời gian

Tiếp nhận đề xuất

Hết ngày 22/09/2024

Vòng sơ loại 

23/09/2024 - 24/09/2024

Vòng phản biện 

27/09/2024 - 30/09/2024

Công bố kết quả

2/10/2024

Triển khai sáng kiến

Tháng 10/2024 - Tháng 12/2024

5.2. Quy trình tài trợ

Sau khi có thông báo tài trợ (bằng email), hồ sơ tài trợ sẽ được hoàn thiện với các nội dung sau:

  • Đề xuất dự án và Dự trù kinh phí chi tiết: Cá nhân/nhóm nhận tài trợ chỉnh sửa và hoàn thiện theo thống nhất với đơn vị tài trợ. 
  • Ký Thỏa thuận tài trợ: Với các thông tin về dự án tài trợ, ngân sách, các điều khoản, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quá trình thực hiện dự án và có chữ ký của đại diện hai bên (đơn vị tài trợ và cá nhân/nhóm nhận tài trợ). 
  • Hướng dẫn tài chính và các biểu mẫu: Do đơn vị tài trợ cung cấp bằng văn bản hoặc các hình thức hướng dẫn cần thiết khác cho cá nhân/nhóm nhận tài trợ. 

6. Thực hiện, giám sát và báo cáo dự án 

  • Cá nhân/nhóm nhận tài trợ có trách nhiệm thực hiện dự án cũng như giải ngân tài trợ theo đúng mục tiêu và hoạt động đã thống nhất với đơn vị tài trợ. Đơn vị tài trợ có quyền thực hiện giám sát và yêu cầu báo cáo vào bất kỳ thời điểm nào của dự án. 
  • Khi kết thúc dự án, cá nhân/nhóm nhận tài trợ cần hoàn thiện báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính, các hóa đơn, chứng từ theo đúng yêu cầu. Từ đó, đơn vị tài trợ sẽ hoàn thiện thủ tục tài trợ với cá nhân/nhóm nhận tài trợ.

📌 Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

Email: matxanh.quyvitamvocviet@gmail.com 

Điện thoại: Dương Ngọc (0869124931) - Trà My (0889666906)

-----------------

THÔNG TIN VỀ ĐƠN VỊ THỰC HIỆN VÀ ĐƠN VỊ TÀI TRỢ 

1. Đơn vị thực hiện

1.1. Quỹ Vì Tầm Vóc Việt

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) là Quỹ xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đóng góp cho mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), hỗ trợ cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tài trợ và xây dựng các chương trình phát triển trí tuệ, tài năng, giáo dục, góp phần phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho người dân Việt Nam. Ngoài ra Quỹ tham gia thực hiện các chương trình xã hội - từ thiện theo yêu cầu của nhà tài trợ phù hợp quy định của pháp luật. Các chương trình chính của Quỹ bao gồm:

  • Chương trình Sức khỏe Học đường
  • Chương trình Bảo vệ Trẻ em
  • Chương trình Ươm mầm Tài năng
  • Chương trình Hành động vì Môi trường
  • Chương trình Phát triển Phụ nữ
  • Chương trình An sinh Xã hội khác

Website: www.vitamvocviet.vn 

Fanpage: https://www.facebook.com/quyvitamvocviet 

1.2. Liên minh không rác Việt Nam

Liên Minh Không rác Việt Nam (VZWA) là một mạng lưới xã hội bao gồm các cá nhân, tổ chức có cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ mục tiêu áp dụng các giải pháp không rác để quản lý tốt hơn chất thải rắn, giảm nhựa, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường Việt Nam. Được thành lập vào năm 2017, VZWA hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm cung cấp thông tin, kiến thức và giải pháp bền vững cho các vấn đề quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải nhựa nói riêng, bằng các chiến lược trụ cột sau:

  • Xây dựng các mô hình thực hành Không rác thông qua chia sẻ các phương pháp và kinh nghiệm; hợp tác xây dựng và thực hiện các sáng kiến chung phù hợp với bối cảnh Việt Nam;
  • Thúc đẩy các hợp tác trong hệ sinh thái Không rác;
  • Thúc đẩy thực hiện hiệu quả và cải thiện các chính sách ở các cấp trung ương và địa phương liên quan tới phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế đồ nhựa dùng một lần, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và kinh tế tuần hoàn;
  • Tăng cường năng lực cho các thành viên và mở rộng mạng lưới;
  • Xây dựng và thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông chung giữa VZWA và các thành viên trong Mạng lưới.

2. Đơn vị tài trợ

2.1. Ngân hàng TMCP Bắc Á

Ngân hàng TMCP Bắc Á với triết lý “Giữ tâm sáng để vươn xa rộng khắp”, cùng 5 giá trị cốt lõi: “Tiên phong, Chuyên nghiệp, Đáng tin cậy, Cải tiến không ngừng và Vì con người”, mọi hoạt động của BAC A BANK đều hướng tới Tầm nhìn: Trở thành Ngân hàng quy mô phục vụ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông - lâm - ngư nghiệp, dược liệu sạch, y tế và giáo dục và với Sứ mệnh là: Tư vấn cho một thế hệ các doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo ra giá trị cốt lõi, mang lại giá trị đích thực cho cộng đồng và thân thiện với môi trường.

2.2. Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam

Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam, một công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm, đồng thời cũng là đơn vị đi đầu trong thu gom, tái chế bao bì tại Việt Nam. Tetra Pak đã khẳng định được thương hiệu “phát triển gắn liền với cộng đồng và môi trường”. 100% sợi gỗ làm nên hộp giấy Tetra Pak được khai thác từ nguồn rừng tái sinh và quản lý có trách nhiệm. Năm 2019, Tetra Pak Việt Nam vinh dự nhận được hai giải thưởng phát triển bền vững từ Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD).

2.3. Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường và sức khỏe. Chúng tôi hỗ trợ các tiên phong trong lĩnh vực môi trường và các chính sách quốc tế trong khu vực Thái Bình Dương.

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương được tạp chí Vice công nhận là 01 trong 12 tổ chức công lý môi trường “xứng đáng để đầu tư thời gian và tiền bạc” nhất nhằm ứng phó với khủng hoảng biến đổi khí hậu (2020).

 

Gửi đề xuất sáng kiến

Để tham gia Quỹ Sáng Kiến vui lòng nhập thông tin đăng ký dưới đây:

Sau khi hoàn thành mẫu đơn, vui lòng tải mẫu đơn lên để hoàn thiện hồ sơ *