Tìm kiếm

Ngày hội Vui cùng làng nghề truyền cảm hứng khám phá tri thức cho trẻ em vùng cao

02/11/2018

23 lượt xem

“Em thích nhất được nặn tò he. Trước đây em chỉ thấy trên tivi thôi, giờ mới được nặn thật.” - vẻ ngại ngùng không giấu được sự thích thú hiện rõ trên gương mặt của em Thò Thị Dợ (12 tuổi). Đây chính là niềm vui mà dự án “Sách cho em" mong muốn mang đến cho các em nhỏ tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang trong “Ngày hội Vui cùng làng nghề".

Ngày 27/10, “Ngày hội Vui cùng làng nghề" với sự tham gia của hơn 300 em nhỏ tại xã Cán Chu Phìn đã mở đầu cho dự án “Sách cho em” tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đến dự ngày hội có đại diện Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện Mèo Vạc

                                                                                             

Sự kiện truyền cảm hứng khám phá tri thức

“Ngày hội Vui cùng làng nghề” được tổ chức với mong muốn truyền cảm hứng cho trẻ em vùng cao tại Mèo Vạc, Hà Giang trong việc khám phá vẻ đẹp của văn hóa và làng nghề ở các địa phương khác cũng như ngay trên chính quê hương mình. Thông qua đó nuôi dưỡng tình yêu đất nước, thôi thúc niềm khát khao học hỏi và mở mang tri thức thông qua việc học tập từ những trang sách cho các em.

 

Tại ngày hội, ban tổ chức gồm Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, nhóm dự án “Sách cho em”, và gần 50 tình nguyện viên của Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã mang đến những không gian vui chơi bổ ích, giới thiệu những câu chuyện xuất xứ về các làng nghề dân gian nổi tiếng.

 

Các em được tự tay thực hiện một công đoạn trong việc làm ra các sản phẩm làng nghề truyền thống, tham gia các trò chơi trả lời câu hỏi tìm hiểu kiến thức, nối tranh tương tác…

 

Những sản phẩm làng nghề vốn được biết đến rộng rãi như tranh dân gian Đông Hồ, diều Huế, diều gió làng Bá Dương Nội, tò he làng Thạch Xá, quạt giấy làng Chàng Sơn… hoặc những món quà đặc sản như chè lam Thạch Xá, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh chả Hà Nội… lại rất lạ lẫm đối với nhiều em nhỏ tại vùng cao này.

 

Đến với Ngày hội Vui cùng làng nghề, các em sẽ không chỉ biết được những câu chuyện xuất xứ về làng nghề, biết được cách mà các nghệ nhân đã làm ra các sản phẩm làng nghề như thế nào, mà còn hiểu được cách mà các nghệ nhân thể hiện tài năng, óc thẩm mỹ tinh tế và gửi gắm tình yêu quê hương qua các sản phẩm làng nghề ra sao.

 

Em Vừ Mí Nô (12 tuổi) sau khi được nghe về ý nghĩa của bức tranh Đông Hồ “Vinh quy bái tổ" đã quyết định sẽ mang bức tranh này về tặng em trai mình.

 

Các em học sinh rất thích thú được tự tay làm nên những con diều giấy, nặn tò he, vẽ chuồn chuồn… và hào hứng tham gia trả lời các câu hỏi tìm hiểu về chính các làng nghề đó. Có nhiều em học sinh, dù mất khá nhiều thời gian đứng tần ngần đọc hết lời giới thiệu mới trả lời được đúng câu hỏi để nhận quà của ban tổ chức nhưng vẫn rất nhiệt tình, kiên trì đến chơi tại từng gian làng nghề, học làm những thứ mà các em hiếm có cơ hội được trải nghiệm.

 

Dự án cộng đồng bền vững nhằm nuôi dưỡng ước mơ của trẻ

“Ngày hội Vui cùng làng nghề" là một hoạt động thuộc dự án “Sách cho em” tại huyện Mèo Vạc với mục đích giúp các em học sinh mở mang kiến thức, phát triển tư duy và năng lực học tập.

 

Dự án mong muốn mang đến cho các em những kiến thức mới, khuyến khích việc khai phá tri thức và trải nghiệm thực tế để vun đắp trí tuệ và nuôi dưỡng ước mơ.  

Tại ngày hội, ban tổ chức và các đơn vị tài trợ Dự án “Sách cho em” đã trao tặng 12.600 cuốn sách cho 33 trường tiểu học và THCS tại huyện Mèo Vạc. Trong suốt năm học 2018-2019, Dự án sẽ tiếp tục tập huấn cho các giáo viên, đưa tiết đọc sách đến từng lớp học, giúp trẻ trau dồi kiến thức, kỹ năng đọc và tìm hiểu thông tin, trang bị tốt cho các em trong việc học tập, định hướng tương lai và nuôi dưỡng ước mơ.

Bà Trần Thị Bình - Trưởng ban quản lý dự án của Tập đoàn TH tại Hà Giang đã đại diện các đơn vị tài trợ phát biểu tại ngày hội: “Những giúp đỡ vật chất có thể giúp các trẻ em nghèo vượt qua được những khó khăn tạm thời trước mắt, nhưng không thể giúp cuộc sống của các em thực sự thay đổi. Chỉ có trao cho các em tri thức và ước mơ, giúp các em có thêm niềm tin và sức mạnh vượt lên giới hạn của chính mình, của hoàn cảnh, đồng thời khơi dậy và phát huy được tiềm năng và thế mạnh của các em thì mới có thể mang đến những thay đổi hiệu quả và bền vững”.

Tính bền vững của dự án không chỉ thể hiện ở mục đích dài lâu vì sự phát triển tư duy của các em nhỏ mà còn được áp dụng trong việc kêu gọi các nguồn lực cùng chung tay triển khai dự án. Dự án Sách cho em và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã kêu gọi được không chỉ nguồn tài trợ mà cả sự đồng hành của các tình nguyện viên đến từ Tập đoàn TH, ngân hàng SeABank, công ty Columbia Sportswear, công ty May Sơn Hà, nhóm Thiện Tâm, bà Ngô Vân - Tetra Pak và sự hỗ trợ vận chuyển của công ty TNHH Quốc tế Delta. Quan trọng nhất, dự án có được sự đồng thuận, phê duyệt thực hiện và hỗ trợ nhiệt tình của Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang và các đơn vị chính quyền địa phương, cũng như các trường học và giáo viên trên địa bàn.