Tìm kiếm

Phóng viên trẻ và hành trình tìm 'công thức kể chuyện'

20/02/2023

60 lượt xem

Hơn 30 phóng viên, cán bộ truyền thông trẻ đã tham gia buổi tập huấn “Kỹ năng kể chuyện” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt ngày 18/2/2023 để trang bị những kỹ năng, kiến thức và góc nhìn mới mẻ về kể chuyện trong các sản phẩm truyền thông.

Đây là khóa tập huấn đầu tiên trong 5 hoạt động thuộc khuôn khổ sáng kiến "Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng" do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tài trợ với mục tiêu: Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và các phóng viên trẻ trong thúc đẩy bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới.

Diễn giả của buổi tập huấn là anh Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO, nguyên Biên tập viên báo VnExpress và báo Lao động, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong việc tạo ra các sản phẩm báo chí và marketing đa phương tiện. Anh Hoàng cũng là một alumni của Chương trình Edward R. Murrow fellowship của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Trong vòng 1 ngày, các học viên đã tìm hiểu và thảo luận sôi nổi về định nghĩa của câu chuyện; nguyên tắc tạo ra một câu chuyện; 6 loại xung đột trong câu chuyện; công thức “nấu” quan điểm - OREO; 3 yếu tố giúp tăng tính thuyết phục và hấp dẫn cho tác phẩm.

Đặc biệt, chủ đề “tính từ là tội ác” được quan tâm hơn cả, khi việc lạm dụng tính từ trở nên phổ biến do tiết kiệm thời gian và dễ “bật” ra trong quá trình viết bài. Để giải quyết điều này, phương pháp thay các tính từ chung bằng danh từ hoặc động từ để mô tả một sự việc hay nhân vật bất kỳ sẽ khiến câu chuyện mang nhiều thông tin và thu hút sự quan tâm của người đọc hơn. “Nếu mỗi tính chất được thay bằng ba hành động, ta sẽ có dương vô cùng của chất liệu” - diễn giả nhấn mạnh.

Thông qua các ví dụ thực tiễn về: câu chuyện về người lao động thuê dưới cầu chương dương, chuyện của một cô phục vụ quán karaoke hay chuyện của một người vợ có chồng là lính biên phòng, v.v… diễn giả cho biết, cuộc đời mỗi người đều là những câu chuyện, và người viết cần biết cách khai thác triệt để các thông tin trong câu chuyện của mình. Trong đó, việc cần có xung đột trong câu chuyện sẽ tạo điểm nhấn và là mấu chốt để truyền tải thông điệp của tác giả.

“Khóa học cung cấp những kiến thức tôi chưa từng biết đến trước đây. Đem đến cho tôi nguồn cảm hứng, biết cách tạo ra một câu chuyện lôi cuốn người đọc từ chất liệu bình thường nhất”

“Khóa học giúp tôi vỡ ra suy nghĩ về quy luật để sắp xếp một câu chuyện, làm sao để đặt câu hỏi không bị sót thông tin, quy luật miêu tả sống động hơn đối với độc giả”

“Tôi rất thích những ví dụ dễ hiểu, sinh động của bài giảng. Sau khóa tập huấn, tôi nghĩ rằng mình nên sử dụng nhiều ngữ liệu của các lĩnh vực đa dạng, nhất là về văn học Việt Nam”

Đó là ba trong số các phản hồi gửi về ban tổ chức sau khi kết thúc khóa tập huấn. Điều này cho thấy sự cần thiết và hiệu quả của hoạt động phi lợi nhuận này.

Theo kế hoạch, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tiếp tục tổ chức chuyến đi thực tế cho các học viên của khóa tập huấn nhằm tìm kiếm và lan tỏa cách làm và bài học kinh nghiệm hay trong thúc đẩy bình đẳng thông qua việc khai thác các câu chuyện của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại huyện Vân Hồ, Sơn La.

                                                                                                         Nguồn: báo Tiền Phong

Sáng kiến “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” của VSF nhận được tài trợ ngân sách từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam - Chương trình Cựu sinh để triển khai tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, từ tháng 10 năm 2022. Bên cạnh đó, ngân sách đối ứng được VSF trích từ lợi nhuận chương trình bán bánh trung thu gây quỹ "Mùa trăng Hy vọng" năm 2021.

Sáng kiến có sự điều hành và cố vấn kỹ thuật của 3 cựu thành viên của các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ là: Chị Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc VSF; Chị Nguyễn Phương Chi, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Quản lý Khoa học, Học viện Phụ nữ Việt Nam; và Chị Hoàng Thị Hường - Nhà hoạt động về Giới và Sáng lập Toha Coffee