Phóng viên viết về môi trường và “câu chuyện của những chuyến đi“
19/09/2022
163 lượt xem
Hơn 30 nhà báo, phóng viên quan tâm đến chủ đề môi trường đã tham dự buổi tọa đàm “Câu chuyện của những chuyến đi” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức ngày 16/9. Tọa đàm nhằm tạo cơ hội cho các phóng viên, nhà báo chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các phóng sự điều tra về môi trường.
Đây là hoạt động thuộc dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" do VSF khởi xướng và là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận tài trợ từ Mạng lưới Báo chí Toàn cầu (Earth Journalism Network) năm 2022. Dự án xuất phát từ bối cảnh tại Việt Nam, nhiều phóng viên nữ chưa có cơ hội tham gia bình đẳng trong lĩnh vực điều tra về môi trường.
Tại tọa đàm, chị Trần Thị Như Trang, Giám đốc VSF cho biết: “Quỹ Vì Tầm Vóc Việt mong muốn trở thành cầu nối giúp phóng viên, nhà báo chia sẻ kinh nghiệm, những trăn trở trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cá nhân, đơn vị trong việc truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”.
Đến với buổi tọa đàm, ngoài những chia sẻ cá nhân từ các phóng viên, nhà báo có kinh nghiệm, đã từng tham gia điều tra, khai thác các chủ đề môi trường, các tham dự viên còn được giải đáp những thắc mắc về quy trình thực hiện, cách tiếp cận các bên liên quan, và lên kế hoạch thực địa để đảm bảo an toàn cho bản thân và nhóm tác nghiệp.
Các chuyên gia và nhà báo giàu kinh nghiệm tham gia với vai trò khách mời cũng mang đến nhiều thông tin hữu ích về nguồn dữ liệu đáng tin cậy, cách truyền tải thông tin bằng dữ liệu một cách chính xác và hấp dẫn.
Bản thân là một phóng viên về mảng y tế - sức khỏe, phóng viên Giang Thùy Linh, báo Lao động vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong “Mạng lưới phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”. Phóng viên Thùy Linh cho biết: “Tham gia mạng lưới, tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều đồng nghiệp trẻ làm về môi trường. Điều này giúp tôi rất nhiều trong việc khai thác đề tài, hợp tác, tạo mối liên hệ giữa đề tài môi trường với y tế, sức khỏe và nhiều đề tài khác như kinh tế, xã hội…”.
Đại diện cho tổ chức GreenHub, chị Nguyễn Thu Trang khuyến khích các phóng viên, nhà báo khai thác thông tin số liệu về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa một cách sinh động và dễ hiểu cho công chúng hơn. Ví dụ như: thay vì nói 0,25-0,3 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, báo chí có thể quy đổi ra lượng rác trải đầy bao nhiêu kilomet bờ biển hay tương đương bao nhiêu túi rác để công chúng dễ hình dung. Ngoài ra, chị Trang cũng gợi ý các đề tài khai thác như đề tài về các loại rác thải nhựa, tác động đến sức khỏe con người, rác thải từ ngư cụ của ngư dân, rác ứ đọng trong các khu rừng ngập mặn, những gương tốt về hành động xanh…
Các phóng viên, nhà báo và đại diện các tổ chức chụp ảnh lưu niệm
“Câu chuyện nào cũng nên là câu chuyện từ người nghe”. Độc giả muốn nghe những câu chuyện gần với đời sống của họ nhất. Vì vậy, việc khai thác đề tài có thể theo cách đưa cuộc đời của công chúng mục tiêu và câu chuyện như thế nào chứ không phải câu chuyện của người viết. Nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc, Trung tâm Thông tin UNESCO chia sẻ trong buổi tọa đàm.
“Nhà báo không thể nói suông, và dữ liệu chính là một loại bằng chứng như vậy!” – đó là chia sẻ của nhà báo Trần Thị Lệ Thùy (Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển) tại phiên thảo luận với các phóng viên, nhà báo về báo chí dữ liệu trong việc khai thác các vấn đề về môi trường. Khi có dữ liệu, bài báo sẽ có cái nhìn toàn cảnh và biến dữ liệu thành câu chuyện. Bên cạnh việc khai thác thông tin từ các cơ quan chức năng, các phóng viên, nhà báo có thể tìm kiếm các nguồn thông tin chính thống trên môi trường internet thông qua một số công cụ như google advanced search.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc thực hiện các phóng sự điều tra về môi trường, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo điện tử Dân Việt) và nhà báo Nguyễn Trường Sơn (Trung tâm tin tức VTV24, Đài THVN) cho rằng, các phóng viên, nhà báo nên thu thập các thông tin bất cứ khi nào, bất cứ đâu để thực hiện các đề tài mới. “Nguyên tắc hàng đầu là thu thập thông tin trước khi vỡ lở thông tin” - các diễn giả cho biết thêm.
Tại tọa đàm, các phóng viên, nhà báo cũng thảo luận một số các vấn đề trong quá trình tác nghiệp như các đầu mối thu thập thông tin về rác thải nhựa, tìm hiểu mô hình nhựa tự phân hủy – không tạo vi nhựa, áp dụng mô hình không rác thải nhựa tại các khu vực độc lập, cách khai thác mới trong các đề tài cũ, v.v. và nhận được sự hưởng ứng của các tham dự viên.
Buổi Tọa đàm là hoạt động tiếp theo của dự án sau khi VSF kêu gọi nộp đề xuất cho “Gói hỗ trợ tài chính và kỹ thuật” cho các nữ phóng viên có các sáng kiến về chủ đề rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa. Theo đó, 6 sáng kiến từ các phóng viên, nhà báo quan tâm đến chủ đề môi trường đã được tài trợ. Các nhóm phóng viên, nhà báo sẽ thực hiện các đề tài từ tháng 9 đến tháng 12 và có cơ hội tham gia giải thưởng “Phóng viên nữ tiên phong vì môi trường năm 2022”.
Nguồn: Báo Phụ nữ Thủ đô