Tìm kiếm

Thể lệ cuộc thi “Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng” - Tìm kiếm các sản phẩm truyền thông sáng tạo về môi trường

15/07/2021

33 lượt xem

1. Bối cảnh cuộc thi

Sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, quá trình đô thị hoá và thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn tới khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn quốc. Trong vòng hai thập kỷ vừa qua, lượng nhựa sử dụng hằng năm tại Việt Nam tăng đáng kể, từ 3.8 kg/người (năm 1990) tới 33 kg/người (2010), 41 kg/người (2015) (BTNMT, 2020) và chạm ngưỡng 81 kg/người (2019) (IUCN-EA-QUANTIS, 2020). Khoảng 72% số nhựa đã sử dụng trở thành rác thải (tương đương với 58 kg rác/người/năm). 

Hơn nửa số nhựa được sản xuất (3.6 triệu tấn/ năm) không được xử lý đúng cách (IUCN-EA-QUANTIS, 2020), với tỷ lệ tái chế thấp, khoảng 15% (NPAP, 2020). Số còn lại bị chôn trong bãi rác, bãi chôn lấp, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời. Theo các nhà nghiên cứu môi trường, Việt Nam là một nguồn lớn gây ô nhiễm nhựa trên biển (Jambeck et al., 2015). Salhofer và cộng sự (2021) cũng đã liệt kê các nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe của việc tái chế nhựa ở Việt Nam. Sự quan tâm của cộng đồng đang dần tăng lên đáng kể, khoảng 65% hộ gia đình và người thu gom rác tại Việt Nam khi được phỏng vấn bày tỏ sự quan ngại về các tác hại về môi trường và sức khỏe do rác thải nhựa gây ra (Tran, 2020).  Một khảo sát bởi Trường Đại Học Y tế Cộng đồng cũng nêu ra rằng 28% các nghiên cứu quốc gia về nhựa đều có mối quan ngại về các vấn đề sức khỏe (GreenHub, 2021).

Theo kết quả khảo sát của GreenHub (2021) trong dự án của World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại 10 tỉnh thành phố ven biển Việt Nam, 93,6% rác thải rò rỉ ra ngoài môi trường là nhựa.

10 loại rác thải bị rò rỉ ra ngoài môi trường nhiều nhất là Mảnh nhựa mềm (các mảnh phân rã từ túi ni lông); Ngư cụ 1 (dây thừng, mảnh lưới, mồi nhử, dây câu, phao nhựa cứng); Ngư cụ 2 (Phao xốp nổi, thùng xốp); Túi ni lông (có sức chứa từ 0-5kg); Hộp xốp đựng thức ăn; Mảnh nhựa cứng; Ống hút nhựa; Bao bì thực phẩm (mì gói, mì tôm); Bao bì bánh kẹo và Các loại nhựa khác (tã, bỉm,..).

Từ bối cảnh trên, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) quyết định cùng tổ chức cuộc thi “Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng” nhằm mục đích tìm ra các sản phẩm truyền thông sáng tạo và có sức lan tỏa đến cộng đồng. Cuộc thi có sự đồng hành của Nhóm Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường. 

 

2. Chủ đề cuộc thi

“Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng”

 

3. Mục đích cuộc thi

  • Tìm kiếm các sản phẩm truyền thông có khả năng truyền tải hiệu quả và hấp dẫn tới cộng đồng các thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa. Các sản phẩm đạt giải sẽ được sử dụng trong các hoạt động truyền thông phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

  • Nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên niên và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như khuyến khích các hành động nhỏ và thiết thực trong bảo vệ môi trường.

  • Khơi dậy niềm đam mê, khả năng sáng tạo của thanh thiếu niên với các sản phẩm truyền thông về chủ đề “Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng”.

 

4. Đối tượng dự thi

  • Là công dân Việt Nam, độ tuổi từ 16 – 30 tuổi.

 

5. Nội dung của sản phẩm dự thi

Yêu cầu các sản phẩm dự thi lựa chọn một trong các đối tượng truyền thông cụ thể sau: 

  • Tổ chức, doanh nghiệp: Siêu thị, nhà hàng/ quán ăn, khách sạn, quán cafe, nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống, nhà sản xuất bao bì/ đóng gói.

  • Cá nhân: học sinh, sinh viên, lao động trẻ (dưới 40 tuổi) tại thành thị, lao động trẻ (dưới 40 tuổi) tại nông thôn, khách du lịch.

Yêu cầu các sản phẩm dự thi chọn một hoặc nhiều nội dung truyền thông sau đây:

  • Thể hiện sáng tạo thực trạng ô nhiễm môi trường nói chung và vấn đề rác thải nhựa nói riêng; tác động của ô nhiễm rác thải nhựa tới đời sống và sức khỏe con người.

  • Giảm thiểu rác thải nhựa đặc biệt túi ni lông, bao bì, ống hút, đồ xốp đựng thức ăn, cốc nhựa, bát nhựa.

  • Kêu gọi cộng đồng giảm thiểu rác thải nhựa và chung tay hành động bảo vệ môi trường.

  • Cổ vũ, khích lệ các giải pháp, hành động có đóng góp tích cực đến công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các tổ chức, cá nhân.

 

6. Hình thức của sản phẩm dự thi

Các sản phẩm dự thi được thể hiện bằng một trong các hình thức sau:

  • Phim ngắn, phóng sự, đồ họa chuyển động: Mỗi sản phẩm có độ dài tối đa không quá 03 phút, độ phân giải cao, định dạng full HD, âm thanh và hình ảnh chất lượng tốt (khuyến khích sản phẩm có thuyết minh bằng tiếng Việt và phụ đề bằng tiếng Anh).

  • Truyện tranh, tranh vẽ, poster, ảnh chụp: 

    • Với sản phẩm kỹ thuật số: Sản phẩm dự thi được lưu với định dạng PDF/JPG/JPEG/PNG, dung lượng tối thiểu 2Mb, kích thước file tối thiểu là 2.000×3.000 pixels, độ phân giải 300 dpi. 

    • Với sản phẩm vẽ tay, cắt dán: Sản phẩm phải được thể hiện trên khổ giấy A1. 

  • Podcasts: Mỗi sản phẩm độ dài không quá 20 phút, định dạng MP3, WAV, WMA sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, hạn chế tạp âm.

  • Mỗi tác giả có thể gửi nhiều sản phẩm dự thi. 

  • Có thể dự thi cá nhân hoặc theo nhóm 03 người.

 

7. Các vòng thi

Vòng 1:  Chấm hồ sơ 

  • 5 sản phẩm của mỗi loại hình (15 sản phẩm) sẽ được lựa chọn để vào Vòng phản biện dựa trên các tiêu chí sau:

    • 4 sản phẩm có số điểm cao nhất ở mỗi loại hình sẽ được lựa chọn dựa trên tiêu chí chấm điểm của Ban Giám khảo (BGK).

    • BTC sẽ đăng tải toàn bộ sản phẩm dự thi lên fanpage Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường (https://www.facebook.com/matxanh2020) để cộng đồng tham gia tương tác. 1 sản phẩm ở mỗi loại hình có điểm tương tác nhiều nhất trên fanpage Mắt Xanh sẽ được lựa chọn (tương tác bao gồm like, share, comment). 

Lưu ý: Trong thời gian mở đơn kêu gọi hồ sơ dự thi, BTC sẽ đăng tải clip tập huấn kiến thức về nhựa và thực hiện chương trình Livestream “Ask me anything” để giải đáp các thắc mắc về cuộc thi trên fanpage Mắt Xanh. Các thí sinh vui lòng theo dõi fanpage thường xuyên để biết thêm thông tin về chương trình.

Vòng 2: Phản biện

  • 15 sản phẩm được lựa chọn từ Vòng 1 sẽ tham gia Vòng phản biện để hoàn thiện sản phẩm của mình thông qua các góp ý từ BGK (bằng hình thức offline hoặc online, tùy vào vị trí địa lý của thí sinh tham gia dự thi).

  • Các sản phẩm sau khi được hoàn thiện sẽ tham dự Vòng chung kết của cuộc thi.

Vòng 3: Chung kết và lan tỏa

Cách thức lựa chọn sản phẩm để trao giải như sau:

  • Giải từ điểm của BGK: 3 giải cho mỗi loại hình (Nhất, Nhì, Ba) sẽ được lựa chọn dựa trên các tiêu chí đánh giá của BGK và tính lan tỏa (tính lan tỏa được thể hiện qua các sự kiện truyền thông của BTC).

  • Giải từ điểm tương tác của cộng đồng: BTC sẽ đăng tải 15 sản phẩm lên fanpage của GreenHub https://www.facebook.com/GreenHub.org.vn. 1 giải duy nhất cho tất cả các loại hình sẽ được lựa chọn dựa trên điểm tương tác của cộng đồng (bao gồm like, share, comment). 

 

8.  Tiêu chí chấm điểm

BGK chấm điểm dựa trên các tiêu chí:

  • Nội dung: Thể hiện đúng chủ đề cuộc thi, có những góc nhìn đặc sắc, sinh động về vấn đề môi trường

  • Tính sáng tạo: Ý tưởng độc đáo, ấn tượng, không theo các khuôn mẫu sẵn có

  • Tính lan tỏa: Thuận tiện, dễ dàng trong việc sử dụng hoặc chia sẻ trên các phương tiện truyền thông hoặc trên mạng xã hội. BTC đánh giá tính lan tỏa của các sản phẩm qua các sự kiện truyền thông của BTC.

  • Thông điệp: Thông điệp tích cực, ý nghĩa, rõ ràng, dễ nhớ và phù hợp với chủ đề cuộc thi.

  • Thuyết minh sản phẩm: Dễ hiểu và hấp dẫn

  • Tính thẩm mỹ: Đối với sản phẩm kỹ thuật số, hình ảnh và âm thanh phải sắc nét, ngôn ngữ phù hợp; đối với sản phẩm vẽ tay, bố cục chặt chẽ, dễ hiểu, đẹp mắt.

  • Tính thời sự: sản phẩm phản ánh được thực trạng môi trường hiện tại.

Điểm từ tương tác trên fanpage.

  • Vòng hồ sơ: BTC sẽ đăng tải toàn bộ sản phẩm dự thi trên fanpage Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường https://www.facebook.com/matxanh2020.

  • Vòng chung kết: BTC sẽ đăng tải 15 sản phẩm vào Vòng chung kết trên fanpage https://www.facebook.com/GreenHub.org.vn.

  • Cách thức chấm điểm tương tác: Mỗi lượt thích tính 01 điểm, mỗi lượt bình luận tính 02 điểm, mỗi lượt chia sẻ tính 03 điểm. Các tương tác hợp lệ là tương tác phải like fanpage Mắt Xanh và fanpage Greenhub.

 

9.  Cơ cấu giải thưởng và quyền lợi 

Cơ cấu giải thưởng 

  • Phim ngắn, phóng sự, đồ họa chuyển động: 01 nhất, 01 nhì, 01 ba

  • Truyện tranh, tranh vẽ, poster, ảnh chụp: 01 nhất, 01 nhì, 01 ba

  • Podcast: 01 nhất, 01 nhì, 01 ba

    • Giải nhất trị giá: 5.000.000 đồng (NET), Giấy chứng nhận và quà tặng của BTC.

    • Giải nhì trị giá: 3.000.000 đồng (NET), Giấy chứng nhận và quà tặng của BTC.

    • Giải ba trị giá: 2.000.000 đồng (NET), Giấy chứng nhận và quà tặng của BTC.

Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ trao các giải thưởng phụ gồm: 

  • 01 Giải được cộng đồng mạng quan tâm (tương tác, tính like, comments và share) nhiều nhất trị giá: 2.000.000 đồng (NET), Giấy chứng nhận và quà tặng của BTC.

Quyền lợi  

  • Được tham gia các khóa tập huấn về môi trường

  • Tác giả được ghi nhận bản quyền và sự đóng góp khi sản phẩm được sử dụng trong các hoạt động truyền thông phi lợi nhuận vì môi trường.

  • Các sản phẩm đạt giải sẽ được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, các ấn bản về môi trường của các bên liên quan. 

  • Người đạt giải được tham gia thực hiện chiến dịch truyền thông và các dự án về nhựa của Ban tổ chức tại nhiều tỉnh thành trong cả nước (tùy điều kiện thực tế và nguồn lực cho phép).

 

10. Hồ sơ và cách thức gửi hồ sơ dự thi

  • Hồ sơ gồm:

  • Cách thức gửi hồ sơ dự thi:

    • Cách 1: Các tác giả gửi hồ sơ dự thi (bản mềm) qua hòm thư điện tử: thai.vx@vitamvocviet.vn 

    • Cách 2: Hồ sơ dự thi (bản cứng) gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Anh Vũ Xuân Thái, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, tầng 4, số 60 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 0934 52 55 56.

 

11. Thời gian

  • Thời gian nhận hồ sơ dự thi: Từ 15/7 - 31/8/2021

  • Thời gian diễn ra vòng 1: Từ 1/9 - 15/9/2021

  • Thời gian diễn ra vòng 2: Từ 16/9 - 30/9/2021

  • Thời gian diễn ra vòng 3: Từ 1/10 - 18/10/2021

  • Công bố kết quả: 22/10/2021

  • Tổ chức tọa đàm kết hợp trao giải: 25/10 - 31/10/2021

 

12. Một số quy định khác

  • Các sản phẩm dự thi phải là sản phẩm chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào và chưa được sử dụng, xuất hiện trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào ở trong và ngoài nước.

  • Sản phẩm dự thi phải là sản phẩm tự xây dựng/thiết kế/ sáng tác, không được sao chép, mô phỏng ý tưởng của tác giả khác. 

  • Tác giả/ nhóm tác giả tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề bản quyền của sản phẩm. Trong trường hợp có tranh chấp hoặc bị phát hiện vi phạm bản quyền, Ban tổ chức sẽ không chịu trách nhiệm về những tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan. Trường hợp sản phẩm được trao giải bị phát hiện vi phạm bản quyền tác giả thì Ban tổ chức sẽ hủy bỏ kết quả và thu hồi lại giải thưởng.

  • Các sản phẩm dự thi phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, không trái thuần phong mỹ tục, không chứa đựng những nội dung tiêu cực về chính trị, tôn giáo.

  • BTC sẽ không hoàn trả các sản phẩm dự thi. Với các sản phẩm đạt giải, BTC có toàn quyền sử dụng vào các hoạt động truyền thông phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường và không chịu bất cứ tranh chấp pháp lý nào liên quan đến quyền tác giả cũng như không phải trả bất cứ chi phí tác quyền nào. 

  • Tác giả tham dự cuộc thi này đồng nghĩa với việc chấp nhận thể lệ đã nêu. BTC sẽ loại sản phẩm của tác giả vi phạm thể lệ cuộc thi mà không phải báo trước. Trong mọi trường hợp, quyết định của BTC là quyết định cuối cùng.

  • Cơ cấu giải thưởng có thể thay đổi tùy theo tình hình sản phẩm dự thi thực tế.

  • Trong trường hợp sản phẩm dự thi đạt giải được tạo ra bởi nhóm, BTC sẽ tiến hành trao giải thưởng đó cho trưởng nhóm hoặc đại diện nhóm.

  • Tác giả có sản phẩm dự thi đạt giải, BTC sẽ thông báo bằng email hoặc điện thoại do tác giả cung cấp. Các tác giả ở xa không có điều kiện trực tiếp đến nhận giải thưởng, BTC sẽ gửi giải thưởng qua đường bưu điện hoặc qua tài khoản ngân hàng do tác giả cung cấp.

  • Các sản phẩm đạt giải sẽ được sử dụng trong các chiến dịch truyền thông về môi trường của BTC.

  • Mọi khiếu nại, thắc mắc liên quan đến Cuộc thi và kết quả thi, các cá nhân phản ánh trực tiếp với BTC Cuộc thi. BTC sẽ xem xét, giải quyết.