Tìm kiếm

Thông báo giải thưởng "Nữ Phóng viên Tiên phong vì Môi trường", hạn chót nhận hồ sơ: 05/03/2023

08/02/2023

139 lượt xem

Giải thưởng báo chí “Nữ Phóng viên Tiên phong vì Môi trường” nhằm ghi nhận những thành tựu, đóng góp của các nữ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Đồng thời, cũng là sự kiện nhằm phát huy vai trò tiên phong của các nữ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong việc phổ biến và khuyến khích cộng đồng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.

Giải thưởng Báo chí “Nữ Phóng viên Tiên phong vì Môi trường” được tổ chức bởi Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Mạng lưới Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA), Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt.

Giải thưởng trong khuôn khổ dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" được thực hiện bởi Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, với sự tài trợ của Mạng lưới Báo chí Toàn cầu (Earth Journalism Network) và Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam.

Thể lệ Giải thưởng báo chí

“Nữ Phóng viên Tiên phong vì Môi trường”

1. Mục đích, ý nghĩa

- Động viên, tôn vinh, khen thưởng tác giả, tác phẩm báo chí phản ánh, tuyên truyền các đề tài, chủ đề, nội dung về bảo vệ môi trường có chất lượng và sức lan tỏa cao; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí.

- Phát huy vai trò tiên phong của các nữ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong việc phổ biến và khuyến khích cộng đồng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.

- Tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

2. Phạm vi, đối tượng tham gia

NỮ công dân Việt Nam, gồm nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp và không chuyên có tác phẩm báo chí về đề tài môi trường được đăng, phát trên đài truyền hình, báo in, các trang báo điện tử, tạp chí điện tử do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

3. Nội dung tác phẩm tham dự Giải thưởng

- Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên và môi trường;

- Tuyên truyền các tấm gương, các điển hình tiên tiến, mô hình, sáng kiến, giải pháp, kinh nghiệm trong trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững;

- Tuyên truyền, phản ánh thực trạng, khó khăn, bất cập, những biểu hiện tiêu cực, các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội liên quan đến môi trường;

- Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường, bao gồm: Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân.v.v.

4. Loại hình báo chí

Gồm 4 loại hình báo chí và các thể loại:

- Báo in: Bài phản ánh, phỏng vấn, xã luận, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.v.v.;

- Báo điện tử: Bài phản ánh, phỏng vấn, xã luận, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép, infographic.v.v.;

- Phát thanh: Bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chương trình chuyên đề tổng hợp, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký.v.v.;

- Truyền hình: Tin truyền hình, phóng sự, ký sự, bình luận, xã luận, chuyên luận, giao lưu tọa đàm, phim tài liệu truyền hình, chuyên đề, chương trình chuyên đề tổng hợp.v.v.;

Ban Tổ chức không xét các tác phẩm có tính chất hư cấu như: thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm văn nghệ, tranh vẽ, tấu hài

5. Điều kiện đối với tác giả và tác phẩm nhận giải thưởng

5.1. Điều kiện đối với tác giả

- Tác giả là Nữ giới, có tác phẩm tham dự Giải thưởng không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định khác về hoạt động báo chí.

- Các tác giả chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của bản quyền tác giả đối với tác phẩm và tính trung thực của tác phẩm dự Giải thưởng.

- Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả chỉ được chọn 02 (hai) tác phẩm phù hợp với quy định của Thể lệ để tham dự.

- Mỗi nhóm tác giả tối đa là 05 (năm) người.

- Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo không được gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng.

- Tác giả tham dự Giải thưởng phải là người không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5.2. Điều kiện đối với tác phẩm 

- Tác phẩm báo chí được đăng, phát trên đài truyền hình, báo in, các trang báo điện tử, tạp chí điện tử do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép tính từ ngày 1/1/2022 đến kết thúc ngày 31/12/2022.

- Tác phẩm tham dự được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

- Tác phẩm báo chí phải thể hiện thông tin chính xác, trung thực, khách quan, có tác động tích cực tới đời sống xã hội.

- Đối với tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu cực, tác giả có trách nhiệm cung cấp tất cả tài liệu, nguồn tin hình thành nên tác phẩm cho Ban tổ chức và Hội đồng Ban giám khảo.

- Đối với tác phẩm dài kỳ và có cùng chủ đề/nội dung, tác giả cần gửi đầy đủ các kỳ đã đăng.

- Tác phẩm được xét trao giải phải đảm bảo không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.

- Các tác phẩm dự thi nếu có trích dẫn các thông số, dữ kiện liên quan đến các nghiên cứu khoa học thì cần trích nguồn đầy đủ và rõ ràng, thể hiện sự tôn trọng các nhà khoa học/ các nhà nghiên cứu.

- Tác phẩm đã đoạt Giải báo chí Quốc gia hoặc các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác không được tham dự.

5. 3. Các quy định khác

- Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng tác phẩm tham dự Giải thưởng để phục vụ mục đích lưu trữ, tuyên truyền quảng bá, không vì mục đích thương mại.

- Trường hợp các tác giả tham dự giải thưởng theo nhóm, Ban Tổ chức sẽ trao thưởng cho trưởng nhóm.

- Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về các tác phẩm gửi tham dự Giải thưởng bị thất lạc trong quá trình tác giả gửi tác phẩm hoặc tranh chấp bản quyền.

6. Phương thức chấm điểm và tiêu chí chấm điểm

6.1. Phương thức chấm điểm:

a) Các tác phẩm báo chí được chấm Vòng sơ khảo và Vòng chung khảo theo thang điểm 100.

b) Tác phẩm báo chí đạt điểm trung bình 70 điểm trở lên ở Vòng sơ khảo đủ điều kiện vào Vòng chung khảo.

6.2.  Tiêu chí chấm điểm:

a) Đảm bảo tính thời sự, tính khách quan, chính xác và tính đặc sắc về tài nguyên và môi trường: 30 điểm.

b) Đề cập đến những vấn đề cộng đồng, xã hội quan tâm, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội: 30 điểm.

c) Có tính phát hiện, phân tích, đánh giá, đề xuất được các giải pháp thực tiễn và hiệu quả, phù hợp xu hướng phát triển của đời sống xã hội: 20 điểm.

d) Nội dung và hình thức thể hiện có tính sáng tạo, hấp dẫn, phong phú, chân thực, thể hiện phong cách báo chí, đầu tư công phu: 20 điểm.

7. Cơ cấu giải thưởng và mức giải thưởng

7.1. Cơ cấu giải thưởng

Giải thưởng được trao theo các loại hình báo chí quy định tại Điều 4 của Thể lệ. Số lượng giải thưởng cho mỗi loại hình báo chí:

a) Báo in: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba.

b) Điện tử: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba.

c) Phát thanh: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba.

d) Truyền hình: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba.

7.2.  Mức giải thưởng:

a) Giải Nhất: 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng).

b) Giải Nhì: 5.000.000đ (Năm triệu đồng).

c) Giải Ba: 3.000.000đ (Ba triệu đồng).

d) Giải tập thể: Cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải thưởng nhất hoặc cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm đoạt giải nhất: 5.000.000đ (Năm triệu đồng).

- Tác giả đoạt giải được tặng kèm theo Giấy chứng nhận, biểu trưng của Giải thưởng.

- Cơ cấu giải thưởng có thể thay đổi dựa theo kết quả và chất lượng của tác phẩm. Trong mọi trường hợp, quyết định của Ban giám khảo là quyết định cuối cùng.

8. Cách thức lập và gửi hồ sơ tham dự Giải thưởng

8.1. Cách thức lập hồ sơ

- Tác giả tham dự Giải thưởng điền đầy đủ thông tin theo Mẫu đăng ký của BTC. Mỗi tác giả/nhóm tác giả có thể gửi tối đa 02 tác phẩm để tham dự giải thưởng, mỗi tác phẩm tham dự phải kèm theo 01 bản đăng ký.

- Tác phẩm loại hình báo in, báo điện tử: SCAN hoặc chụp ảnh tác phẩm và đánh số thứ tự vào tên file (nếu có nhiều phần) và gửi cho BTC qua thư điện tử.

- Tác phẩm loại hình báo phát thanh và truyền hình: Ghi tác phẩm lên các một trong các nền tảng như Google drive, dropbox, onedrive… với âm thanh, hình ảnh đảm bảo chất lượng và gửi đường link qua thư điện tử. Tác phẩm phát thanh và truyền hình có độ dài không quá 60 phút.

8.2. Cách thức gửi hồ sơ:

- Gửi qua hòm thư điện tử: linh.dtn@vitamvocviet.vn

- Tiêu đề thư ghi rõ: Hồ sơ tham dự Giải thưởng Báo chí “Nữ phóng viên Tiên phong vì Môi trường”.

- Hồ sơ tham dự Giải thưởng Báo chí “Nữ phóng viên Tiên phong vì Môi trường” gửi về Ban tổ chức chậm nhất vào 23h59 phút ngày 5/3/2023.

9. Quy trình và thời gian xét chọn giải thưởng

- Thời hạn cuối cùng nhận tác phẩm: Đến hết ngày 5/3/2023.

- Vòng sơ khảo: Từ ngày 6/3 – 12/3/2023: Ban Thư ký xem xét, đánh giá để chọn ra tác phẩm báo chí đáp ứng tiêu chí đưa vào Vòng chung khảo

- Vòng chung khảo: Từ ngày 13/3 – 19/3/2023: Ban Giám khảo tiến hành đánh giá, thẩm định, lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc để trao giải.

- Thời gian công bố và trao giải: Dự kiến được tổ chức cuối tháng 3/2023.

10. Ban Tổ chức và Ban Giám khảo

Ban Tổ chức Giải thưởng Báo chí “Nữ phóng viên Tiên phong vì Môi trường” gồm Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Mạng lưới Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA), Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt.

Ban Giám khảo gồm:

- Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông)

- Bà Kim Thúy Ngọc - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

- Ông Đỗ Doãn Hoàng - Nhà báo điều tra, Báo điện tử Dân Việt

- Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng thư ký Mạng lưới Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA)

- Ông Đinh Đức Hoàng - Nhà báo, Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO

--------------------------

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

Chị Đỗ Trần Nhật Linh – Ban Thư ký Giải thưởng

Điện thoại: 0398924729

Email: linh.dtn@vitamvocviet.vn