Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tìm kiếm chuyên gia tập huấn kỹ năng truyền thông bằng tranh vẽ và bích báo (báo tường) cho học sinh tiểu học

15/03/2024 Thứ sáu

Với mong muốn nâng cao kỹ năng truyền thông bằng tranh vẽ và bích báo (báo tường) cho học sinh bậc tiểu học trên địa bàn xã Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An) để góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh, giúp các em hiểu được các loại hình truyền thông, các bước để xây dựng một tác phẩm truyền thông bằng tranh vẽ, bích báo, báo tường hoặc các loại hình tương đương.

VSF

1. Thông tin chung

Về đơn vị thực hiện - Quỹ Vì Tầm Vóc Việt

Quỹ Vì tầm vóc Việt (viết tắt là VSF) là quỹ xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đóng góp cho các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của LHQ, hỗ trợ cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tài trợ và xây dựng các chương trình phát triển trí tuệ, tài năng, giáo dục, góp phần phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho người dân Việt Nam. Ngoài ra VSF tham gia phục vụ các chương trình xã hội - từ thiện theo yêu cầu của nhà tài trợ phù hợp quy định của pháp luật.

Để hiện thực hóa sứ mệnh này, VSF hiện đang triển khai các chương trình mục tiêu sau: i) Dinh dưỡng học đường, ii) Bảo vệ trẻ em, iii) Ươm mầm tài năng, iv) Hành động vì môi trường, v) Phát triển phụ nữ, và vi) các chương trình an sinh xã hội khác.

Về Dự án “Trường học hạnh phúc

Kinh tế tăng trưởng đều, cuộc sống của người dân dần được cải thiện là căn cứ để các tổ chức quốc tế đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp và xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và tình trạng trẻ em phải học tập trong các ngôi trường tạm bợ, thiếu thốn trang thiết bị ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, v. v. là minh chứng rõ cho điều này.

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng phát triển giáo dục và đã đầu tư nhiều cho giáo dục trong những năm qua. Ngân sách chi cho giáo dục luôn chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhưng do quy mô tổng GDP còn nhỏ nên giá trị tuyệt đối của ngân sách nhà nước dành cho giáo dục hàng năm vẫn chưa đủ để cải thiện toàn diện hệ thống cơ cở vật chất trường học, nhất là ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cả nước hiện vẫn còn 24% trường học chưa được kiên cố hóa - tức là vẫn còn 50.000 phòng học tranh tre nứa lá, phòng học tạm, phòng học cấp bốn xuống cấp - và 30% nhà vệ sinh trường học chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Trang thiết bị dạy học cũng mới chỉ đáp ứng được 56,5% nhu cầu.

Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền trong lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đã xây dựng hẳn một dự án riêng trong số 10 dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đó là Dự án Phát triển giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, chỉ đủ ở mức tối thiểu.

Để chia sẻ khó khăn với Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục, sự chung tay của các tổ chức và cá nhân là rất quan trọng. Đây là lý do VSF mong muốn thực hiện một dự án giáo dục nhằm mục tiêu cải thiện cơ sở vật chất trường lớp và trang biết bị dạy học cũng như nâng cao một số kiến thức - kỹ năng cho giáo viên và học sinh để góp phần cải thiện chất lượng giáo dục của nhà trường. Đây là lý do Dự án "Trường học hạnh phúc" ra đời.

Dự án "Trường học hạnh phúc" thuộc Chương trình mục tiêu Ươm mầm tài năng của VSF và được bắt đầu triển khai từ năm học 2022 – 2023 tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La. Dự án đặt mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận của học sinh miền núi với giáo dục có chất lượng thông qua các giải pháp mang tính tổng hợp, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm góp phần đạt được các Chương trình Mục tiêu quốc gia Chính phủ Việt Nam cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của LHQ.

Cụ thể, trong năm 2023 – 2024, dự án đặt mục tiêu cải tạo - nâng cấp cơ sở vật chất, và nâng cao năng lực cho giáo viên, phụ huynh/người chăm sóc trẻ và học sinh bậc tiểu học trên địa bàn xã Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An) để góp phần thúc đẩy sức khỏe học đường nói riêng cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh nói chung; để mỗi ngày đến trường đối với thầy và trò là một ngày vui – hạnh phúc.
Các hoạt động của dự án bao gồm:
- Cải tạo cơ sở vật chất.
- Lắp đặt bảng hướng dẫn rửa tay và cung cấp nước rửa tay miễn phí.
- Trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
- Nâng cao năng lực cho giáo viên và phụ huynh/người chăm sóc trẻ:
+ Tập huấn cho giáo viên và phụ huynh về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em.
+ Tập huấn cho giáo viên và phụ huynh về nhận biết và can thiệp sớm rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em.
+ Tập huấn cho giáo viên và phụ huynh về phòng chống tai nạn thương tích - đuối nước và sơ cấp cứu trẻ em.
+ Tập huấn cho giáo viên về kỷ luật tích cưc.
+ Tập huấn cho giáo viên về nhạy cảm giới trong công tác soạn giáo án, giảng bài và quản lý học sinh.
- Nâng cao năng lực cho học sinh:
+ Tập huấn cho học sinh về chăm sóc răng miệng.
+ Truyền thông cho học sinh về giới và bình đẳng giới.
+ Tập huấn cho nhóm học sinh nòng cốt về kỹ năng truyền thông bằng tranh vẽ và bích báo (báo tường).
+ Cuộc thi nhà báo măng non.
+ Ngày hội tổng kết và ngày hội sách nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4.
+ Trao sách cho các thư viện trường học.

2. Mục tiêu của hoạt động tập huấn
Sau buổi tập huấn, người tham dự có thể:
- Nhắc lại được các loại hình truyền thông và ưu nhược điểm của mỗi loại hình; học sinh bậc tiểu học có thể hiện hiện được những loại hình truyền thông nào và thông qua kênh nào.
- Nhắc lại được các đặc điểm và yêu cầu của hình thức truyền thông bằng tranh vẽ, bích báo, báo tường và các loại hình tương đương.
- Nhắc lại được các bước để xây dựng một tác phẩm truyền thông bằng tranh vẽ, bích báo, báo tường các loại hình tương đương (từ lúc phát hiện đề tài/vấn đề đến khi hoàn thiện tác phẩm).

 

3. Thành phần tham gia, thời gian, địa điểm:
- Thành phần tham gia: 30 học sinh nòng cốt và 03 giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Châu Hội, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
- Thời lượng: 01 ngày.
- Thời gian dự án kiến: trong tuần từ 24 - 31/3/2023.
- Địa điểm: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Châu Hội, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
 

4. Phạm vi công việc của chuyên gia
- Chuẩn bị kế hoạch bài giảng của buổi tập huấn, bài trình bày, tài liệu phát tay, công cụ và điều hành buổi tập huấn theo phương pháp có sự tham gia để cung cấp cho sinh các kiến thức sau:
+ Kiến thức về các loại hình truyền thông và ưu nhược điểm của mỗi loại hình; học sinh bậc tiểu học có thể hiện hiện được những loại hình truyền thông nào và thông qua kênh nào.
+ Kiến thức về đặc điểm và yêu cầu của hình thức truyền thông bằng tranh vẽ, bích báo, báo tường và các loại hình tương đương.
+ Kỹ năng để xây dựng một tác phẩm truyền thông bằng tranh vẽ, bích báo, báo tường các loại hình tương đương
- Viết báo cáo về buổi tập huấn.
 

5. Yêu cầu đối với chuyên gia
- Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm truyền thông cho trẻ em (ưu tiên người có kinh nghiệm truyền thông bằng tranh vẽ, bích báo, báo tường và các hình thức tương tự).
- Có kinh nghiệm thực hiện hoạt động tập huấn bằng phương pháp có sự tham gia của trẻ em.
 

6. Phí chuyên gia
- Phí tư vấn trọn gói thực hiện hoạt động tập huấn là 8.000.000 đồng bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân (VSF sẽ khấu trừ thuế TNCN tại nguồn trước khi thanh toán cho chuyên gia).
- VSF chi trả chi phí ăn ở và đi lại cho chuyên gia theo định mức của VSF trong quá trình thực hiện hoạt động tại thực địa.
 

7. Cách thức nộp hồ sơ
- Ứng viên quan tâm vui lòng gửi CV ứng tuyển về địa chỉ email: lienhe@vitamvocviet.vn trước ngày 21/03/2024
 

8. Thông tin liên hệ:
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt
Địa chỉ: Phòng 401 - Tầng 4, tòa nhà Opera Business Center, số 60 Lý Thái Tổ, P. Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Website: http://vitamvocviet.vn/
Điện thoại: 024 3823 8008