Những câu hỏi thường gặp về dự án "Cùng em khôn lớn"

11/08/2021 Thứ tư

Trẻ em được bảo trợ tại các điểm trường thuộc dự án có được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa không? Ai sẽ là người phụ trách việc nấu ăn cho trẻ? Việc giám sát, đánh giá, báo cáo dự án được thực hiện ra sao? Số tiền hỗ trợ 1.7 triệu/trẻ/năm học sẽ được sử dụng như thế nào?

VSF

Đó là một số câu hỏi gửi về fanpage Quỹ khi khởi động dự án “Cùng em khôn lớn” năm thứ 2. Để trả lời những thắc mắc thường gặp về dự án, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua thông tin dưới đây! 

1. Trẻ em được bảo trợ trong dự án "Cùng Em Khôn Lớn" có được nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa không?

Vùng dự án “Cùng em Khôn lớn” thuộc xã Thạch Lâm và xã Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng). Đây là những xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, huyện Bảo Lâm cũng là huyện nghèo theo Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Do đó, trẻ em trong dự án “Cùng em Khôn lớn” được nhận hỗ trợ tiền ăn trưa 149.000 VNĐ/tháng (theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP).

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm sẽ thông qua nhà trường để chi trả tiền hỗ trợ ăn trưa của trẻ cho cha mẹ/người chăm sóc trẻ. Nhưng các gia đình đều thuộc diện khó khăn, trong đó có 70% là hộ nghèo và hộ cận nghèo nên trên thực tế, cha mẹ/người chăm sóc trẻ thường sử dụng khoản tiền này để trang trải các chi phí sinh hoạt chung cho cả gia đình, thay vì dùng riêng cho bữa ăn trưa của trẻ.

Cũng chính vì khoản tiền hỗ trợ ăn trưa đã chuyển cho gia đình của trẻ, nhà trường không còn nguồn kinh phí để tổ chức bữa trưa bán trú cho học sinh.

2. Với các điểm trường thuộc dự án "Cùng Em Khôn Lớn", ai là người nấu ăn trưa cho trẻ? Chi phí nấu ăn do bên nào chi trả?

Các phương án cho việc nấu ăn tại các điểm trường:

Thuê người nấu ăn (thường là người dân địa phương hoặc phụ huynh học sinh). Với điểm trường từ 50 trẻ trở lên, chi phí thuê sẽ là 2,6 triệu đồng/tháng và Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm chi trả chi phí này. Với điểm trường có số học sinh dưới 50 trẻ, chi phí thuê là 1,5 triệu đồng/tháng và do phụ huynh đóng góp để cùng chi trả.

Nhà trường cũng là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các bữa ăn trưa của trẻ

3. Công tác giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả đạt được của dự án được thực hiện như thế nào?

Quỹ VTVV là đơn vị giám sát và đánh giá kết quả của dự án.

Hàng tháng, nhà trường sẽ cập nhật nhanh tình hình triển khai dự án và gửi hình ảnh và video về các bữa ăn trưa cho Quỹ VTVV.

Hàng quý, nhà trường sẽ báo cáo với Quỹ VTVV về kết quả triển khai dự án, trong đó có thay đổi về cân nặng, chiều cao và sức khỏe của trẻ. Sau đó, Quỹ sẽ gửi báo cáo tổng hợp của dự án cho các nhà tài trợ. Mỗi nhà tài trợ còn được nhận báo cáo riêng về trẻ do mình bảo trợ.

Ngoài ra, dự án cũng được giám sát bởi chính quyền địa phương.

4. Số tiền bảo trợ 1,7 triệu/trẻ/năm học sẽ được sử dụng như thế nào?

Số tiền này sẽ được sử dụng để chi trả bữa ăn trưa cho trẻ với mức 9,500 VND/ngày/trẻ trong 1 năm học 9 tháng. Trẻ đc ăn bữa trưa và bữa phụ buổi chiều

5. Tôi có thể đóng góp bao nhiêu cho dự án và bằng cách nào?

Quý nhà tài trợ có thể:

- Tài trợ một khoản tiền bất kỳ; hoặc nhận bảo trợ bữa ăn bán trú trong vòng 1 năm học cho 1 hoặc nhiều bé (1,700,000 VNĐ /1 bé)

- Tài trợ thêm một khoản kinh phí bất kỳ để góp phần cải thiện điều kiện học tập của các bé như: trao tặng tủ sách, lắp đặt hệ thống pin mặt trời, xây dựng bể chứa nước, xây dựng bếp ăn,...

Hai hình thức nhận tài trợ bao gồm:

- Chuyển khoản qua Quỹ Vì Tầm Vóc Việt:

Tên TK: QUY VI TAM VOC VIET

Số TK: 003001060001222

Tại: Ngân hàng Bắc Á, Hội sở Hà Nội

Nội dung: Họ và tên_SĐT_CEKL

Lưu ý: Nhà tài trợ vui lòng ghi đầy đủ họ tên và số điện thoại. Trong trường hợp nhà tài trợ muốn ẩn danh, vui lòng ghi nội dung: andanh_CEKL.

- Tài trợ qua website Global Giving: http://goto.gg/47440

6. Sau khi quyết toán tài chính cuối năm, nếu số tiền bảo trợ còn thừa thì sẽ được sử dụng như thế nào?

Nếu còn thừa thì tiền bảo trợ sẽ được sử dụng để:

- Cải thiện cơ sở học tập của học sinh: Mua thêm đồ dùng học tập, tủ sách, hoặc cải thiện cơ sở vật chất như lắp thêm đèn, quạt, chăn đắp ngủ trưa,...

- Sử dụng cho việc bảo trợ bữa ăn trưa ở năm học tiếp theo.

7.  Dự án sẽ được triển khai trong bao lâu?

Dự án Cùng em khôn lớn là một dự án dài hạn của Quỹ VTVV với mong muốn trẻ được hỗ trợ trong suốt giai đoạn mầm non (từ 3 tuổi - 5 tuổi) để thực sự cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi và nhẹ cân. Chúng tôi sẽ nỗ lực huy động nguồn lực để có thể bảo trợ bữa trưa cho các em trong thời gian theo học tại các trường mầm non thuộc vùng dự án) 

8. Vai trò của nhà trường, chính quyền địa phương và bố mẹ như thế nào trong việc tổ chức bữa ăn cho các cháu?

Nhà trường:

- Thực hiện tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ, đảm bảo đúng chất lượng và số tiền được tài trợ.

- Thực hiện giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả triển khai dự án

- Chịu trách nhiệm về người nấu ăn, chế độ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bữa trưa bán trú của dự án.

- Giải thích và vận động phụ huynh đồng thuận cho trẻ tham gia vào dự án, và đóng góp công sức/tài chính cho việc chi trả chi phí bữa ăn cho trẻ (nếu cần)

Chính quyền:

- Giám sát việc triển khai dự án trên

- Hỗ trợ chi phí nấu ăn cho các điểm trường có số lượng học sinh từ 50 trẻ trở lên

- Vận động phụ huynh đóng góp chi để thuê người nấu ăn trưa với các điểm trường có số lượng học sinh dưới 50 trẻ

Phụ huynh:

- Đồng thuận cho con tham gia hưởng lợi từ dự án.

- Đồng thuận cho dự án sử dụng hình ảnh và thông tin của trẻ cho công tác truyền thông, báo cáo vì mục đích phi lợi nhuận

- Kết hợp với nhà trường thực hiện tốt các công việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ.

- Đóng góp để chi trả chi phí thuê người nấu ăn (với các điểm trường ít hơn 50 trẻ)

9. Quyền lợi của nhà tài trợ như thế nào?

Hàng quý, NTT được nhận  báo cáo tổng hợp của dự án. Mỗi NTT còn được nhận báo cáo riêng về trẻ do mình bảo trợ.

Kết thúc năm học, NTT được nhận báo cáo  tổng kết hoạt động và báo cáo tài chính của dự án

NTT nhận được thiệp cảm ơn và xác nhận tài trợ từ Quỹ VTVV

Được thăm trực tiếp học sinh 1 lần/năm và có các hoạt động giao lưu với các trẻ được bảo trợ bằng kinh phí tự chi trả.

10.  Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cho trẻ

Cha mẹ/ người giám hộ trẻ ký kết biên bản đồng thuận tham gia dự án và chia sẻ thông tin của trẻ với Quỹ VTVV và nhà tài trợ.

Các bên tham gia vào dự án cam kết thực hiện Quy tắc Đạo đức về Bảo vệ trẻ em của Quỹ VTVV