Cảnh giác với nguy cơ trẻ bị thừa cân - béo phì trong thời gian giãn cách xã hội

19/07/2021 Thứ hai

Giãn cách xã hội do Covid-19 khiến trẻ em phải ở nhà, ít vận động và có thể ăn uống không điều độ, đặc biệt ăn uống nhiều hơn mức cần thiết. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ em bị thừa cân - béo phì.

VSF

1. Nguyên nhân thừa cân - béo phì

Tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020, Bộ Y tế nhận định “Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép ba về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng”. Trong đó, tỷ lệ thừa cân - béo phì đang tăng nhanh một cách đáng ngại.

Theo PGS. TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân chính là do mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Việc này xuất phát từ tâm lý ông bà cha mẹ thích trẻ bụ bẫm, nên đã ép trẻ ăn nhiều.

PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong một buổi truyền thông về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong khuôn khổ Dự án "Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt" do Quỹ VTVV triển khai trong các khu công nghiệp.

Trẻ bắt đầu thừa cân từ tuổi mầm non, tiếp tục tăng cân ở tuổi tiểu học và có thể sẽ bị béo phì ở tuổi tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhiều người cho rằng chăm bẵm cho trẻ mập một chút rồi sau này trẻ sẽ gầy bớt đi… là vừa. Nhưng thực tế không phải như vậy. Thực tế là trẻ càng ngày càng thừa nhiều cân hơn và sau đó dẫn đến béo phì.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trẻ em còn dễ tăng cân bởi phụ huynh xem nhẹ yếu tố vận động, khiến trẻ mất cân bằng năng lượng: “nạp” nhiều hơn “tiêu”. Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và TP.HCM không hoạt động thể chất đủ theo tiêu chuẩn.

2. Giải pháp

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng thừa cân - béo phì ở trẻ tiểu học nên được chú trọng xử lý sớm.

Các bậc phụ huynh cần dùng chuẩn tăng trưởng, biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự tăng trưởng và tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Đồng thời, phụ huynh cũng nên tìm hiểu về tháp dinh dưỡng hợp lý của trẻ em cho từng độ tuổi để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ ở mức hợp lý, đủ “chất” nhưng không dư “lượng”.

Khi trẻ bị thừa cân - béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà vẫn phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển. Bữa ăn cần cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng đến từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, chất xơ cho đến vitamin. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý. Sử dụng rau quả đa dạng - nhiều màu sắc, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt; thực phẩm ít chất béo, ít đường và ít muối.

Hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, pho mát, các món chiên/xào/rán, não và nội tạng. Các loại đồ ngọt như: đường, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, các loại sữa có đường, v. v. cũng nên hạn chế vì chúng chứa nhiều năng lượng làm gia tăng nguy cơ thừa cân - béo phì. Thức ăn chế biến sẵn - thức ăn đóng hộp cũng nên hạn chế sử dụng.

Tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, tạo khối cơ và sức bền cho trẻ. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ làm các công việc ở nhà để vừa tăng cường vận động vừa phụ giúp cha mẹ và hình thành thói quen chia sẻ việc nhà; hạn chế các hoạt động ngồi một chỗ trong thời gian dài như xem tivi, chơi trờ chơi điện tử, v. v.