Hiện thực hóa ước mong của hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam: Để nhà vệ sinh thực sự vệ sinh
29/11/2023
183 lượt xem
Dự án "1.000 nhà vệ sinh trường học" được triển khai đã góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, mang đến cho các em môi trường học tập tốt hơn.
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), năm 2020 có hàng trăm nghìn nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu trên khắp cả nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như quá trình học tập của các em.
Chính vì lẽ đó, Dự án 1.000 nhà vệ sinh cho em đã được khởi xướng và triển khai dài hạn bởi Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) cùng các tổ chức liên quan với mục đích tiên phong tạo nên làn sóng hành động trong cả nước cùng tham gia để hướng đến đạt mục tiêu của Chương trình Sức khỏe học đường và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
“Con mong muốn có một nhà vệ sinh mới”
Nhà vệ sinh tại các trường học, đặc biệt là các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn thường được xem như công trình phụ và ít được coi trọng, sửa sang. Dù được gọi là nhà vệ sinh nhưng đáng buồn rằng đây dường như lại là những kém vệ sinh nhất trong trường. Đây là hiện trạng phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Và việc có một nhà vệ sinh đúng nghĩa có lẽ cũng là ước muốn giản đơn của nhiều học sinh khi tới trường.
Em Hồ Thị Cảnh - học sinh lớp 5, trường TH&THCS Ba Tầng (Hướng Hóa, Quảng Trị) chia sẻ: “Nhà vệ sinh bây giờ đang cũ, chưa đảm bảo vệ sinh, em mong muốn nhà vệ sinh to hơn, đẹp hơn, sạch hơn" .
Giống như em Cảnh, em Đoàn Phạm Minh Tuấn (Học sinh lớp 3, Trường TH&THCS Đại Đồng, Yên Bình, Yên Bác) cũng có một mong muốn dù giản đơn nhưng thiết thực: “ Con mong muốn có một nhà vệ sinh mới sạch sẽ để rộng hơn cho bọn con không phải đứng chờ nữa ”.
Theo báo cáo năm 2020 từ Bộ Giáo dục & Đào tạo cho thấy 30,6% nhà vệ sinh trên toàn quốc ở các trường học không đạt tiêu chuẩn, trong đó 22,8% không được xây dựng kiên cố.
Một số nguyên nhân chính của tình trạng này bao gồm sự thiếu quan tâm từ các cơ sở giáo dục, xem nhà vệ sinh chỉ như một "công trình phụ", và thiếu nguồn kinh phí để bảo dưỡng và xây dựng mới. Cùng với đó, Cục Cơ sở vật chất thuộc Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng ý thức của một số học sinh về việc sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh chưa tốt, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà vệ sinh nhanh hư hỏng, xuống cấp.
Ngoài ra, báo cáo “Nghiên cứu ban đầu về cấp nước, vệ sinh và dinh dưỡng ở nông thôn Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện và công bố đầu năm 2023 cho thấy “ Vẫn còn nhiều vấn đề trong sử dụng và bảo trì các công trình, dẫn đến việc công trình bị bỏ không, làm giảm việc tiếp cận các công trình cấp nước, nhà tiêu và công trình rửa tay ở trường học… Tại các điểm trường lẻ, việc tiếp cận các công trình nước sạch vệ sinh càng ít hơn ”
Để nhà vệ sinh thực sự vệ sinh
Trong gần 10 năm, từ năm 2021 đến năm 2030, dự án đặt mục tiêu xây mới và cải tạo 1.000 nhà vệ sinh cho các trường học thuộc các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên cả nước nhằm góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh trường học.
Bà Trần Thị Như Trang - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cho biết “ Bên cạnh việc trao tặng các nhà vệ sinh đảm bảo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT đưa ra, chúng tôi cũng tiến hành các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cũng như tập huấn cho các em học sinh, thầy cô và người chăm sóc trẻ về vệ sinh, nước sạch và vấn đề vệ sinh cơ thể. Từ đó các bạn học sinh sẽ được đảm bảo điều kiện tốt hơn để nâng cao thể lực ”.
Kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh trong dự án tuân theo tiêu chuẩn được đề ra trong Quyết định số 878/QĐ-BGDĐT ngày 01/3/2021 của Bộ GD&ĐT, nhưng cũng linh hoạt chỉnh sửa để phù hợp với từng địa phương và trường học. Đây là một phương pháp có sự tham gia đồng lòng.
Mỗi nhà vệ sinh trong dự án có diện tích khoảng 14m2, với khu vực dành riêng cho nam và nữ. Nhà vệ sinh này có thể phục vụ tối đa cho 70 học sinh. Khu vực rửa tay được trang bị hướng dẫn chi tiết cùng dịch vụ nước rửa tay miễn phí từ các doanh nghiệp hợp tác. Với đặc điểm này, mẫu nhà vệ sinh thích hợp cho các trường nhỏ hoặc làm bổ sung cho các trường lớn đang thiếu hụt nhà vệ sinh.
Mỗi nhà vệ sinh có giá 60 triệu đồng. Như vậy, tổng giá trị dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh lên đến 60 tỷ đồng, bên cạnh 1,5 tỷ đồng cho việc điều phối từ các đối tác. Những khoản chi này chưa tính đến đóng góp từ các doanh nghiệp hợp tác trong việc cung cấp hướng dẫn và nước rửa tay, cũng như chi phí cho hoạt động truyền thông và tập huấn cho học sinh.
Tính đến tháng 11/2023 dự án đã khởi công xây dựng gần 100 nhà vệ sinh tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Quảng Trị, trong đó có 62 nhà vệ sinh đã được đưa vào sử dụng
Cùng với đó, các nghiên cứu, khảo sát của Bộ GD&ĐT và UNICEF đã cho thấy các trường học trên cả nước không chỉ thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn và được kiên cố hóa mà còn nhanh hư hỏng, xuống cấp do người sử dụng thiếu kiến thức, ý thức và kỹ năng sử dụng, bảo quản. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây mới nhằm kiên cố hóa và chuẩn hóa nhà vệ sinh trường học thì việc nâng cao kiến thức, ý thức và kỹ năng sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh cũng rất quan trọng. Từ đó đóng góp vào mục tiêu chung của Chương trình Sức khỏe học đường cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Song song với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng của học sinh để giúp các em chăm sóc vệ sinh cá nhân (bao gồm việc rửa tay đúng cách) tốt hơn, dự án cũng mong muốn các em có thêm nhận thức về việc sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường xung quanh.
Những việc này đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, lâu dài và đồng bộ trên cả nước. Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học do Quỹ Vì tầm vóc Việt triển khai, theo như mục đích ban đầu, chính là một dự án điểm, tiên phong tạo một làn sóng hành động cho nhiều bên liên quan trên cả nước cùng tham gia để hướng đến đạt mục tiêu của Chương trình Sức khỏe học đường và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Nguồn: Mua sắm & Tiêu dùng