Tìm kiếm

Sữa học đường- Vì tầm vóc Việt: “Góp chữ” cho học sinh vùng khó

16/06/2017

49 lượt xem

Duy trì sĩ số lớp học là công việc khó khăn nhất đối với thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa mỗi năm học đến. Tuy nhiên, nhiều trường vùng khó ở Quỳ Hợp (Nghệ An) đã trút được “gánh nặng” này từ khi có chương trình Sữa học đường Vì tầm vóc Việt đến với trẻ em nghèo.

Duy trì sĩ số lớp học là công việc khó khăn nhất đối với thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa mỗi năm học đến. Tuy nhiên, nhiều trường vùng khó ở Quỳ Hợp (Nghệ An) đã trút được “gánh nặng” này từ khi có chương trình Sữa học đường Vì tầm vóc Việt đến với trẻ em nghèo.   

sua hoc duong- vi tam voc viet: “gop chu” cho hoc sinh vung kho hinh anh 1

Học sinh trường mầm non Châu Cường trong giờ uống sữa

Chăm đến trường để được... uống sữa

Là một trong những hộ nghèo tại xóm Hạ Đông (Châu Cường – Quỳ Hợp) gia đình anh Sầm Văn Tân và chị Vi Thị Linh càng khó khăn hơn khi đứa con thứ 3 ra đời trong khi vợ chồng cùng đau ốm, công việc làm thuê làm mướn thì bấp bênh lúc không, lúc có. Thu nhập của cả hai vợ chồng không đủ cho các con có những bữa cơm bình thường.

 sua hoc duong- vi tam voc viet: “gop chu” cho hoc sinh vung kho hinh anh 2

Bữa ăn của các bé giờ đã có thêm món sữa.

Mỗi tuần, 3 đứa con của anh chị chỉ được ăn cơm với thịt (cá) 1 lần, còn lại chỉ cơm rau qua bữa. Con thứ 2 của chị Linh cháu Sầm Đình Chiêu – học sinh trường mầm non Châu Cường cũng vì thế mà rơi vào diện suy dinh dưỡng thấp, còi trong lớp. Chị Linh cho biết, đã có lúc khó khăn quá, anh chị phải cho con nghỉ học vì đóng nổi tiền ăn ở trường cho con mỗi ngày... 15.000 đồng (khoảng 330.000 đồng/tháng).

“Sau đó nhờ các cô đến động viên, giúp đỡ cháu đi học. Các cô nói nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền ăn cho cháu là 120.000 đồng, lại có chương trình hỗ trợ sữa miễn phí cho học sinh hộ nghèo nên gia đình đã cố gắng đóng số tiền còn lại  cho cháu đi học để được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và uống sữa miễn phí” – chị Linh nói.

Gia đình chị Vi Thị Lợi (Xóm Mường Ham – Châu Cường) cũng không khá hơn là mấy. Chồng đi làm xa đã nửa năm không một dòng tin tức, chị Lợi lại đau ốm liên miên nhưng vẫn phải gồng mình để nuôi ba con ăn học. Ngày khỏe chị đi làm thuê, ngày ốm chị nằm liệt giường, con đi học cũng không đưa đón được mà phải nhờ đến các cô trong lớp.

 “Lo cho các con bữa ăn còn không đủ nói gì đến dinh dưỡng. Một năm học thì có đến 3 tháng không đủ tiền để đóng tiền ăn cho con. Cháu Đức Long (5 tuổi) thường xuyên được các cô giáo trong trường quyên góp tiền để mua phiếu ăn trưa. Thỉnh thoảng chắt bóp lắm tôi mới dám mua cho con một hộp sữa đặc về pha cho đỡ... thèm, sữa tươi thì hiếm hoi lắm” – chị Lợi chia sẻ.

 sua hoc duong- vi tam voc viet: “gop chu” cho hoc sinh vung kho hinh anh 3

 Giáo viên trường mầm non Châu Cường đối chiếu danh sách học sinh nghèo trong giờ uống sữa.

Cô Sầm Thị Nga - giáo viên trường mầm non Châu Cường cho biết, từ khi có chương trình Sữa học đường Vì tầm vóc Việt, những đứa trẻ như Chiêu, như Long đến trường đều đặn và vui vẻ hơn.

“Ở trường, các con không chỉ được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng lại được uống sữa miễn phí để tăng cường chiều cao, cân nặng. Bố mẹ các con cũng rất vui vẻ và như trút được “gánh nặng” và nỗi lo lắng con mình không phát triển được bằng bạn, bằng bè” – cô Nga nói.

 sua hoc duong- vi tam voc viet: “gop chu” cho hoc sinh vung kho hinh anh 4

Học sinh trường mầm non Châu Cường trong giờ uống sữa học đường

Khó mấy thầy cô cũng gắng làm

 Không phải dễ dàng để Sữa học đường Vì tầm vóc Việt đến được với học trò nghèo ở Quỳ Hợp (Nghệ An). Bà Trần Thị Đào – Phó trưởng phòng GD ĐT huyện Quỳ Hợp cho biết, với chương trình này, học sinh thuộc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% tiền sữa, học sinh cận nghèo hỗ trợ 50% và học sinh diện bình thường được hỗ trợ 30%.

 “Lợi ích nhìn thấy rất rõ nhưng để 100% học sinh được uống sữa lại không hề đơn giản. Ở miền núi, người ta quen với việc được tài trợ các chương trình, bây giờ vận động phụ huynh bỏ ra mỗi tháng hơn 100.000 đồng/ tháng  (giá đã hỗ trợ 30%) mua sữa cho con uống là rất khó. Tuy nhiên, đến năm thứ 2 thực hiện, khi các bậc cha mẹ mắt thấy con mình thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, sức khỏe được nâng lên, các cháu khỏe mạnh, hoạt bát hơn thì việc vận động cho trẻ uống sữa không còn khó khăn nữa” – bà Đào nói.

Các con khỏe mạnh, mong muốn đến trường cũng là động lực khiến giáo viên ở Quỳ Hợp không ngại khó, ngại khổ với những công việc “không tên, không thêm lương bổng” là cho các con uống sữa đều đặn mỗi ngày.

Trong năm học 2016-2017, có hơn 4.000 học sinh mẫu giáo, tiểu học nghèo ở huyện Quỳ Hợp được thụ hưởng chính sách về sữa học đường thông qua sự hỗ trợ này.

 

Cô Hoàng Thị Mừng – Phó hiệu trưởng trường mầm non Châu Cường cho biết: “Cả trường có 334 học sinh thì có đến 110 em thuộc diện nghèo. Nếu không được hỗ trợ thì những em này chẳng bao giờ biết đến hộp sữa. Được uống sữa miễn phí, các em đến trường đều lắm. Có em cảm, sốt nhẹ cũng nhất quyết đòi mẹ được đi học chứ không ở nhà. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đầu năm học là 15% nhưng đến cuối năm học chỉ còn 4% các thầy cô vui mừng khôn xiết”.

 sua hoc duong- vi tam voc viet: “gop chu” cho hoc sinh vung kho hinh anh 5

Bé Sầm Đình Chiêu (thứ 2 từ trái sang) vui cùng bạn bè trên lớp, được uống sữa như các bạn mỗi ngày

Hiệu trưởng trường mầm non Châu Hồng – cô Trương Thị Liên  thì chia sẻ: “Cứ hè đến là giáo viên của trường lo lắm, hơn 2 tháng hè trở lại trường hầu hết các con đều sút cân. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng đầu năm học bao giờ cũng ở mức từ 12 – 13%.  Nhưng chỉ sau một năm học, các con được ăn uống đầy đủ, uống sữa hàng ngày tỷ lệ này chỉ còn từ 3 – 4%. Đó cũng là động lực để các cô giáo không quản khó khăn khi phải tất bật hơn, bận rộn hơn mỗi ngày”.

Chi phí hỗ trợ cho học sinh nghèo và cận nghèo trong Chương trình Sữa học đường hiện đang được vận động qua Tài khoản Sữa học đường Vì Tầm vóc Việt do Quỹ Vì tầm vóc Việt vận hành. Từ ý tưởng BÀ MẸ XÃ HỘI thay các bà mẹ nghèo chăm lo dinh dưỡng cho con, Quỹ đã có sáng kiến đầy nhân văn để giúp nâng cao tầm vóc, thể lực cho tất cả trẻ em. Đây là tài khoản từ thiện, hoạt động phi lợi nhuận nhằm kêu gọi, khuyến khích, thúc đẩy sự đóng góp của các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước (các cá nhân, tổ chức....) hỗ trợ cho những trẻ em mẫu giáo và tiểu học thuộc diện nghèo, cận nghèo được uống sữa học đường.

                                                                                                                                                                   (Theo (Dân Việt))