Tìm kiếm

Tập huấn "Nhạy cảm giới trong công tác giảng dạy" tại trường tiểu học và THCS Suối Bàng , huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

26/05/2022

50 lượt xem

Năm 2022, Dự án do VSF cùng với Phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) triển khai với sự tài trợ của Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á.

“Làm thế nào để dạy học sinh về bình đẳng giới khi mà trong gia đình và cộng đồng vẫn còn quá nhiều định kiến giới?”

“Nếu sách giáo khoa vẫn chưa đủ nhạy cảm giới thì giáo viên có thể làm gì để khắc phục?”

Đây là 2 trong số rất nhiều trăn trở của các thầy cô giáo tại trường tiểu học và THCS Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La vào những ngày cuối tháng 5 này.

Khóa tập huấn “Nhạy cảm giới trong công tác giảng dạy” được tổ chức tại trường tiểu học và THCS Suối Bàng trong khuôn khổ dự án “Trường học Hạnh phúc” đã thu hút sự tham gia tích cực của ban lãnh đao nhà trường và hơn 30 thầy cô giáo.

Giảng viên của khóa tập huấn là chị Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bình đẳng giới, quyền phụ nữ và quyền trẻ em.

Sau khóa tập huấn, 100% tham dự viên đều đã đồng thuận về tầm quan trọng của công tác giảng dạy có nhạy cảm giới trong trường học và diễn giải được một số khái niệm cơ bản, bao gồm giới và giới tính, bình đẳng giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới, nhạy cảm giới. Tất cả tham dự viên cũng đã chia sẻ về việc đây là lần đầu tiên họ được thực hành kỹ năng phát hiện định kiến giới, khuôn mẫu giới trong sách giáo khoa, cũng như trong công tác giảng dạy học sinh.

Ban lãnh đạo nhà trường và các thầy cô đã cùng thảo luận và xác định những thay đổi cần có trong việc dạy và học để thúc đẩy bình đẳng giới thực chất. Ví dụ như:

  • Không tiếp tục củng cố các định kiến giới và khuôn mẫu giới trong công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh. Không có công việc nào là công việc của nam hay của nữ. Ai cũng có quyền lựa chọn nghề nghiệp, công việc phù hợp với năng lực và mong muốn của mình.

  • Khi phân công lao động cho học sinh, sẽ khuyến khích cả học sinh nam và học sinh nữ cùng tham gia vào mọi công việc như bê bàn ghế, dọn dẹp vệ sinh, lau bảng, quét sân; thay vì cho rằng học sinh nữ phù hợp với các công việc nhẹ nhàng và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, và ngược lại.

  • Sẵn sàng trao đổi với phụ huynh về những định kiến giới và khuôn mẫu giới đang tồn tại trong gia đình và cộng đồng, và những hậu quả với con em họ.

  • Nếu sách giáo khoa có những hình ảnh và nội dung chưa được nhạy cảm giới, giáo viên sẽ khuyến khích những chia sẻ và thảo luận để thách thức lại các định kiến giới và khuôn mẫu giới, giúp học sinh có những góc nhìn đa chiều hơn.

Hãy cùng nhìn lại một số hình ảnh trong khóa tập huấn này nhé!