Hành trình 7 năm mang con chữ đến với học sinh điểm trường Bản Là

08/04/2022 Thứ sáu

“Cơ duyên đến với Bản Là chắc là do may mắn”

VSF

Đó là chia sẻ của cô giáo Hoàng Thị Thảo khi trò chuyện với chúng tôi về hành trình 7 năm mang con chữ tới với học sinh điểm trường Bản Là (Trường MN Thái Sơn), huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Hành trình ấy bắt đầu từ chuyến xe máy đầu tiên đến trường của cô Thảo trong ngày đầu nhận quyết định công tác. Đường đi xa và khó nên khi lái xe máy đi theo các phụ huynh vào trường, cô đã bị ngã xe khoảng chục lần mới vào đến trường chính. “Tôi còn nhớ câu nói của phụ huynh là ‘Em đi trước một đoạn không thấy chị Thảo đuổi theo sau, em quay lại lần nào cũng thấy chị Thảo ngã xe nằm ở đường’,” cô Thảo nhớ lại. “Vì lúc đấy tôi ngã xe nhiều nên sau tôi tự bước bộ đeo ba lô đồ lên trường. Đến bây giờ khi gặp mặt hoặc có dịp ngồi với các phụ huynh, mọi người vẫn thường ôn lại những kỷ niệm này và nói thêm là ‘Giờ chị Thảo đi xe ác thật, trời mưa hay trời nắng đều đi được!’ Đó là kỷ niệm chỉ khi vào Bảo Lâm, vào Bản Là tôi mới được trải qua.”

Chuyến xe đầu tiên dường như đã dự báo một hành trình bám bản với không ít khó khăn của cô giáo trẻ. Nhà cô cách thị trấn Bảo Lâm khoảng hơn 100km, và từ thị trấn Bảo Lâm đến điểm trường Bản Là còn 26km nữa. Vì quãng đường xa và khó nên cô Thảo không được về nhà thường xuyên. Tuy nhiên, trường mầm non lại không có phòng công vụ nên cô phải nghỉ ngơi và sinh hoạt ngay tại lớp. Mỗi cuối tuần, cô lại đi xuống trường xã, thị trấn để mua đồ dùng cá nhân, dụng cụ học tập và thức ăn cho mình và cho học sinh.

Cô Thảo chia sẻ với chúng tôi rằng khó khăn lớn nhất trong những ngày đầu công tác là bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò. Khi ở nhà, trẻ chủ yếu giao tiếp với cha mẹ bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Mông và tiếng Dao nên khi mới tiếp xúc với cô và nghe cô nói tiếng phổ thông thì các em đều không hiểu. Vì vậy, cô đã học thêm tiếng Mông và tiếng Dao để diễn giải các từ ngữ cho trẻ rồi dịch ra tiếng phổ thông. Từ đó, cô và học sinh đều cố gắng trò chuyện và tập luyện nói tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, cô cũng khuyến khích phụ huynh khi ở nhà giao tiếp với trẻ bằng tiếng phổ thông nhiều hơn để trẻ dễ tiếp thu các kiến thức.

Sau 7 năm công tác, đã có không ít học sinh để lại cho cô Thảo những ấn tượng khó quên, trong đó có hai em Hoàng Thị Minh Hằng và Hoàng Văn Trọng. Các em đều đến học nhờ tại điểm trường từ khi chưa tròn 2 tuổi. 

“Minh Hằng chơi với mọi người và các cô đều vui vẻ và hòa thuận, nhưng chỉ chơi thân và cho phép những người mà bạn ấy thích được bế và buộc tóc,” cô nói.

“Còn Trọng dù về học nhờ tại lớp nhà trẻ khi chưa tròn 2 tuổi, nhưng ngày đầu đến lớp bạn không khóc mà học tập, vui chơi với các anh, chị lớn tuổi hơn. Điều đặc biệt là dù khoảng cách từ nhà đến trường gần 3km, nhưng bạn ấy vẫn tự bước bộ cùng mẹ và chị xuống học vì bố đi làm thuê xa không về đưa đón được.”

Cô Thảo và 12 thầy, cô giáo khác tại 5 điểm trường thuộc dự án “Cùng em khôn lớn” đã luôn tận tâm với công việc cao quý là mang tri thức đầu đời và trực tiếp chăm lo cho các em học sinh, góp phần không nhỏ vào thành công của dự án sau 2 năm triển khai. Dự án “Cùng em khôn lớn” rất tự hào khi được đồng hành cùng các thầy, cô trong quá trình học tập và phát triển của các em học sinh!

“Cùng Em Khôn Lớn” là một dự án lớn và dài hạn của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, được khởi động từ năm 2020 với mục đích bảo trợ bữa ăn bán trú và cải thiện điều kiện học tập cho học sinh mầm non tại nhiều địa bàn khó khăn trên cả nước. Trong năm học 2021-2022, Quỹ và Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK), Ví điện tử MoMo, Ứng dụng đọc sách Umbalena cùng các nhà hảo tâm khác chung tay bảo trợ 42.000 bữa ăn bán trú cho 210 em học sinh mầm non tại 5 điểm trường thuộc Trường MN Thạch Lâm và Trường MN Thái Sơn (Bảo Lâm, Cao Bằng).

Thông tin về dự án liên tục được cập nhật tại: http://vitamvocviet.vn/du-an-cung-em-khon-lon