Tìm kiếm

Hướng đi mới trong việc gây quỹ và thực hiện các chương trình phát triển

30/12/2019

78 lượt xem

Kinh tế Việt Nam đi lên khiến tài trợ nước ngoài suy giảm. Điều có vẻ như là "mặt trái" của sự phát triển đang là một thách thức thực sự cho các tổ chức phi chính phủ trong việc duy trì hoạt động, đặc biệt là việc gây quỹ.

Tuy nhiên, có một tổ chức trong nước dường như đã tìm được lối đi riêng khi từng bước khẳng định được vị trí của mình và ngày một lớn mạnh. 

Suy giảm viện trợ nước ngoài và thách thức 

Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Không còn thuộc nhóm các nước có thu nhập thấp nữa cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế thay đổi chính sách hỗ trợ Việt Nam. Ví dụ như cắt giảm viện trợ phát triển chính thức ODA, tăng lãi suất các khoản cho vay ưu đãi, cắt giảm tài trợ không hoàn lại, cắt giảm hoạt động hay thậm chí là đóng cửa văn phòng đại diện. 

Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình dẫn đến việc suy giảm các viện trợ phi chính phủ

Theo thống kê của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thuộc Chính phủ, tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài sau khi đạt đỉnh vào năm 2014 với 304,5 triệu USD/năm đã giảm xuống còn 286,8 triệu USD/năm vào năm 2018. Đi cùng với đà giảm của giá trị tài trợ, riêng trong năm 2018 đã có 17 tổ chức phi chính phủ nước ngoài dừng hoạt động (mặc dù vẫn có thêm các tổ chức mới đăng ký hoạt động). Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình dẫn đến việc suy giảm các viện trợ phi chính phủ.

Cùng với việc các tổ chức quốc tế dừng hoạt động và cắt giảm tài trợ thì các tổ chức phi chính phủ trong nước cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tổ chức phải thu hẹp hoạt động thậm chí phải dừng hẳn hoạt động do không nhận được nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Đây là một thách thức rất lớn cho các tổ chức phi chính phủ trong nước trong việc duy trì hoạt động, bởi gây quỹ là một việc không dễ dàng. Việc gây quỹ nhìn chung đã khó, gây quỹ ở Việt Nam còn khó hơn do người dân chưa có thói quen ủng hộ/tài trợ tiền cho các tổ chức để thực hiện các chương trình phát triển. 

Trong khi đó, dù Việt Nam đã là một nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình nhưng vẫn là trung bình thấp. Năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.800 USD/năm nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 8.000 USD. 

Việt Nam vẫn đang đối diện rất nhiều nguy cơ và thách thức trong quá trình phát triển. Các nguy cơ hiện hữu ngay trước mắt bao gồm tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chênh lệch giầu nghèo, chênh lệch trình độ phát triển giữa các vùng miền, tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, ô nhiễm môi trường, v.v.; hay các nguy cơ dài hạn hơn như không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, già hóa dân số khi kinh tế chưa thực sự phát triển ("già trước khi giầu"), phát triển thiếu bền vững, v.v. 

Hướng đi mới 

Như trên vừa đề cập, gây quỹ ở Việt Nam, đặc biệt là gây quỹ từ các cá nhân, là việc không dễ dàng với các tổ chức phi chính phủ. Lý do không chỉ bởi thu nhập trung bình của người dân còn thấp mà còn bởi thói quen làm từ thiện, thói quen cho đi. Thói quen này đang dần thay đổi, nhưng để người dân sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để đóng góp cho các tổ chức phi chính phủ nhằm chung tay thực hiện các chương trình phát triển giống như người dân ở các nước phát triển thì không thể đến trong ngày một ngày hai. 

Gây quỹ từ các doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến trách nhiệm xã hội và có ngân sách cho các hoạt động từ thiện – nhân đạo nhưng chưa sẵn sàng tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các hoạt động xã hội một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Gây quỹ từ các cá nhân và doanh nghiệp là hướng đi mới cho các tổ chức phi chính phủ, nhưng đòi hỏi năng lực huy động các nguồn lực

Lý do đầu tiên phải kể đến tâm huyết, khát vọng và uy tín của những người sáng lập tổ chức. Tâm huyết và khát vọng ấy thể hiện qua một tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng. Đó là cải thiện toàn diện tầm vóc, thể lực và trí lực của trẻ em Việt Nam – vì một Việt Nam hùng cường trong tương lai. Và để hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh ấy một cách bài bản và chuyên nghiệp – chứ không phải làm từ thiện theo cách tự phát – tổ chức này đã được thành lập dưới dạng quỹ từ thiện – xã hội và hoạt động phi lợi nhuận theo giấy phép của Bộ Nội vụ vào năm 2014 như một pháp nhân độc lập. Điều này là đặc biệt quan trọng bởi nhiều doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí cũng thành lập quỹ từ thiện nhưng các quỹ này không phải là pháp nhân độc lập mà chỉ hoạt động như phòng/ban của công ty. Cũng chính bởi được cấp phép hoạt động như một pháp nhân độc lập nên hoạt động gây quỹ của tổ chức này không bị hạn chế. Trong bối cảnh có nhiều thách thức như vậy, có một tổ chức phi chính phủ đã tìm được lối đi riêng trong cách gây quỹ và thu hút các nguồn lực để thực hiện các chương trình an sinh xã hội và phát triển cộng đồng. Bằng hướng đi riêng này, tổ chức này đã không chỉ huy động được sự tham gia của các cá nhân mà còn cả các tổ chức và doanh nghiệp. 

Tiếp đến phải kể đến chuyên môn của những người vận hành tổ chức. Đây đều là những người đã có thâm niên làm việc trong các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, dù là một tổ chức non trẻ nhưng các chương trình, dự án và hoạt động của tổ chức lại không hề non nớt. 

Bằng tâm huyết, uy tín của những người sáng lập cộng với chuyên môn của những người vận hành tổ chức thể hiện qua các chương trình, dự án được thiết kế và thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã "bị" thuyết phục và quyết định đồng hành với các hoạt động của tổ chức. Tất nhiên, đây là mối quan hệ các bên cùng có lợi nhưng quan trọng hơn là cùng hướng đến việc đáp ứng nhu cầu của những cá nhân và cộng đồng yếu thế trong xã hội.

Tính đến cuối năm 2019, tổ chức này đã nhận được tài trợ từ 44 doanh nghiệp và hàng chục nghìn cá nhân. Số tiền và hiện vật đã gây quỹ và giải ngân lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó riêng tiền học bổng trao cho học sinh - sinh viên giỏi trên toàn quốc là hơn 74 tỷ đồng. Các dự án lớn và dài hơi mà tổ chức này đã thực hiện và gây được chú ý là Dự án "Vì mẹ và bé – vì tầm vóc Việt" (triển khai từ năm 2017), và Sáng kiến Hỗ trợ sinh viên – DynaGen Initiative (triển khai từ năm 2019). Với riêng Dự án "Vì mẹ và bé – vì tầm vóc Việt", đã có gần 10.000 người được hưởng lợi sau 3 năm triển khai. 

"Tiếng lành đồn xa", nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã chủ động tìm đến để đặt vấn đề hợp tác với tổ chức này, trong đó có cả các tổ chức quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, tổ chức này đã có mối quan hệ hợp tác chính thức với ba tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm cả việc nhận tiền tài trợ hoặc phí tư vấn từ các tổ chức này để triển khai các hoạt động. 

Như một ví dụ tiêu biểu cho mô hình thành công trong việc thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp để cùng thực hiện các hoạt động xã hội (kể cả doanh nghiệp tài trợ lẫn doanh nghiệp hưởng lợi), tổ chức này đã được mời chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo tập huấn về quyền trẻ em trong nguyên tắc kinh doanh do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) và MSD Việt Nam tổ chức vào ngày 23/12 vừa qua. 

Trước đó, tổ chức này đã được vinh danh là Tổ chức phi lợi nhuận tốt nhất châu Á năm 2019 do Asia Philanthropy Awards (APA) bình chọn cùng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khác. Không chỉ có vậy, đại diện của tổ chức cũng đã được mời tham dự Chương trình Trao đổi Lãnh đạo dịch vụ xã hội khu vực Châu Á (SSLEP) tại Singapore trong năm 2018 cùng với đại diện của các tổ chức đến từ 10 quốc gia khác. 

Và tổ chức mà chúng tôi đang nói đến ở đây chính là Quỹ Vì Tầm Vóc Việt!

Trích nguồn: Báo Gia Đình & Pháp Luật