Gạt bỏ định kiến giới – chìa khóa để hạnh phúc
23/11/2021
156 lượt xem
Đây là bài báo do thành viên Mạng lưới Phóng viên và Cán bộ Truyền thông trẻ - Hành động vì Bình đẳng Giới thực hiện đăng trên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu.
Từ xưa đến nay, xã hội vẫn mặc định công việc nặng nhọc, dẻo dai cần đến sức mạnh thì dành chon nam giới, còn những công việc khéo léo, mềm dẻo thì dành cho nữ giới. Những định kiến này vô tình trở thành “thước đo” để mọi người đánh giá lẫn nhau. Nhưng trên thực tế, nữ cũng làm được những công việc như công an, phi công… và nam cũng có thể theo đuổi những công việc như giáo viên mầm non, nhà thiết kế thời trang…
Những định kiến giới sẽ trở thành áp lực đối với một người, nếu họ không được theo đuổi đam mê của mình chỉ vì những “khuôn mẫu” mà người khác cho rằng họ đúng. Định kiến giới cũng ảnh hưởng đến sự tiến bộ và phát triển của nền kinh tế xã hội, nếu mọi người không được phát huy hết khả năng của mình.
Định kiến giới cũng ảnh hưởng lớn đến sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong đời sống, trong gia đình. Đơn cử, trong hôn nhân gia đình, định kiến giới tồn tại khi mọi người mặc định việc kiếm tiền là của người đàn ông, còn việc bếp núc, chăm sóc con cái là của phụ nữ. Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình đã có những tư tưởng tiến bộ hơn, khi hai vợ chồng cùng nhau san sẻ gánh nặng kinh tế, chia sẻ công việc nhà và cùng nhau chăm sóc con cái.
“Hai vợ chồng tôi cùng đi làm có thu nhập, khi tan làm cùng nhau sẻ chia việc nhà thì gia đình sẽ được cân bằng, hòa thuận hơn. Những điều tưởng chừng như đơn giản đó sẽ giúp gia đình bền chặt hơn, giữ cho cuộc sống hôn nhân có nhiều niềm vui, cả hai sẽ cùng có trách nhiệm cho mái nhà chung. Theo tôi, mọi công việc đều quan trọng và đáng trân quý, bao gồm cả việc nhà và các công việc có thu nhập.” – Chuyên gia Yoga Lê Thị Trúc Quỳnh (Hà Nội) chia sẻ.
Trong hôn nhân, để có được hạnh phúc, đôi khi hai vợ chồng cần gạt bỏ định kiến của xã hội để gắn bó với nhau, sẻ chia với nhau. Sau một thời gian cùng làm việc ở Hà Nội, chị Đinh Thị Liên (Thái Nguyên) cùng chồng về quê mình lập nghiệp. Bỏ ngoài tai những định kiến “ở rể”, hai vợ chồng cùng nhau vượt qua khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp, cùng nhau san sẻ việc chăm sóc con cái… “Đối với tôi, hai vợ chồng yêu thương nhau, cùng san sẻ gánh nặng là điều quan trọng nhất trong hôn nhân. Những định kiến nói chung và định kiến giới nói riêng chỉ làm khổ những người mà chúng ta yêu thương và chính bản thân chúng ta.”- Chị Liên cho biết.
Ở một góc nhìn khác, định kiến giới đã và đang là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh. Dù đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, nhưng tại Việt Nam, tỉ số giới tính khi sinh vẫn chưa trở về mức tự nhiên. Thậm chí, theo các chuyên gia dự báo, tới năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 triệu – 4,3 triệu phụ nữ.
Để gạt bỏ định kiến giới ra khỏi xã hội, chúng ta cần cả một hành trình dài. Nhưng thế hệ trẻ chính là những người quyết định xã hội tương lai. Bởi vậy, việc thay đổi tư duy cho giới trẻ là vô cùng cần thiết.
Nguồn: Minh Vân (Báo Doanh nghiệp Thương hiệu)