Chia sẻ của TS. Trần Kiên về quan điểm "Yêu thương không định kiến" và vai trò của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới
19/11/2021
74 lượt xem
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) đã có cơ hội phỏng vấn với TS. Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, hành viên Ban điều hành Diễn Đàn Kết Nối Nam Giới Vì Bình Đẳng Giới Và Phát Triển Bền Vững ở Việt Nam về quan điểm của anh liên quan tới thông điệp “Yêu thương không định kiến" cũng như ý nghĩa của chiến dịch đối với nam giới.
Ngày hôm nay (19/11), đánh dấu sự ra đời Diễn Đàn Kết Nối Nam Giới Vì Bình Đẳng Giới Và Phát Triển Bền Vững ở Việt Nam. Diễn đàn là không gian mở để kết nối các cá nhân và tổ chức trong hành động chung để thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Diễn đàn cũng hướng đến việc nêu ra các vấn đề đang tác động tới nam giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid 19 hiện nay.
Trong diễn đàn này, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) đã có cơ hội phỏng vấn với TS. Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, hành viên Ban điều hành Diễn Đàn Kết Nối Nam Giới Vì Bình Đẳng Giới Và Phát Triển Bền Vững ở Việt Nam về quan điểm của anh liên quan tới thông điệp “Yêu thương không định kiến" cũng như ý nghĩa của chiến dịch đối với nam giới.
VSF: Anh nghĩ thế nào về thông điệp “Yêu thương không định kiến”?
TS. Trần Kiên: Tôi nghĩ bất kỳ một người nào khi lần đầu nghe tới thông điệp “Yêu thương không định kiến" thì có lẽ sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên. Bởi vì bản chất của yêu thương đã là không định kiến rồi. Khi người ta đã yêu thương ai đó thì làm gì còn định kiến nữa?
Nhưng mà khi chúng ta bình tâm xét lại và đặt trong bối cảnh thúc đẩy bình đẳng giới thì chúng ta mới nghĩ rằng “À, có rất nhiều tình yêu cũng bị định kiến", ví dụ như “Yêu con trai, ghét con gái" hoặc ngược lại. Bản thân câu nói ấy khi chúng ta bình tĩnh suy xét sẽ thấy rằng nó là một sự phản tỉnh, rằng “À hình như có sự phân biệt ngay trong tình cảm của chúng ta dành cho những con người nhất định.”
Có thể chúng ta vẫn nói với nhau rằng chuyện tình cảm, yêu ghét đều là chuyện tự nhiên. Nhưng có lẽ những chuyện yêu ghét ấy không được dựa trên một cơ sở công chính cho lắm. Ví dụ như chuyện yêu thích con trai ở Việt Nam chẳng hạn. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" là một trong những câu nói mà từ trước đến nay chúng ta vẫn nghe, và nó là ví dụ điển hình cho chuyện yêu thương có định kiến.
Vì thế tôi nghĩ rằng thông điệp “Yêu thương không định kiến" ẩn chứa nhiều ý nghĩa trong đó. Nó giúp cho xã hội nhìn lại mình, qua đó tác động lên nhận thức của người nghe và người đọc.
VSF: Theo anh thì các hoạt động của chiến dịch này sẽ đóng góp như thế nào cho việc thu hút nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và phòng chống bạo lực giới nói riêng?
TS. Trần Kiên: Tôi hy vọng điều đầu tiên là chiến dịch sẽ ý thức được rằng nam giới là phần không thể thiếu của việc thúc đẩy bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới. Thứ hai là nam giới cũng có những vấn đề, những băn khoăn trăn trở, những sức ép của riêng mình và chúng cũng có thể là nguyên nhân cho những hành vi tạm gọi là “phân biệt đối xử".
Vậy thì khi làm những chiến dịch liên quan tới vấn đề này, ta cần có nhạy cảm giới để biết rằng với người nam giới thì cần tiếp cận và giải quyết những vấn đề gì, cũng như để giúp đỡ và thúc đẩy họ tham gia như thế nào. Tôi nghĩ rằng đó là một điều quan trọng để chiến dịch có thể thành công, có thể lan toả và tạo tác động về việc yêu thương không định kiến.
Bởi tôi nghĩ rằng cách tiếp cận tới những vấn đề mà đàn ông cần đối diện và giải quyết cũng có những sự khác biệt nhất định so với người phụ nữ. Nếu có thể thúc đẩy những yếu tố nam tính tích cực thì chiến dịch sẽ thành công và mang lại những giá trị tốt đẹp.