Tìm kiếm

Hành động để ngăn chặn tình trạng định kiến giới

21/11/2021

103 lượt xem

Bài viết do thành viên của Mạng lưới Phóng viên và Cán bộ Truyền thông trẻ - Hành động vì Bình đẳng giới thực hiện. Chia sẻ của Thạc sĩ Hiền cũng là một trong những thông điệp mà chiến dịch “Yêu thương không định kiến" của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt muốn truyền tải.

Tại Việt Nam, bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua, Tuy nhiên, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Để giải quyết tình trạng định kiến giới, cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đặc biệt là các chuẩn mực thiên lệch về giới.

Định kiến giới gây ra nhiều hệ lụy

Theo Báo cáo Tình trạng dân số Thế giới năm 2020 do Qũy Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, mỗi năm trên thế giới có hàng triệu trẻ em gái là nạn nhân của các thực hành có hại ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của các em. Đáng nói, theo báo cáo này, trên toàn thế giới có khoảng 33.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sẽ bị ép buộc kết hôn với những người chồng thường lớn hơn các em rất nhiều tuổi. Số liệu năm 2020 cũng ước tính có khoảng 4,1 triệu trẻ em gái sẽ phải trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ.

Tại Việt Nam, lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số này liên tục gia tăng. Định kiến giới đã tồn tại từ xa xưa, theo truyền thống, người Việt đều mong muốn có con trai. Các gia đình hầu hết đều bị ảnh hưởng của tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, có nghĩa là một con trai mới gọi là có con, có 10 cô con gái vẫn sẽ gọi là không có con. Tư tưởng trọng nam khinh nữ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tầng lớp trong xã hội hiện đại.

Nếu không thay đổi tư duy, với trình trạng như hiện nay, việc mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 triệu – 4,3 triệu phụ nữ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội), mặc dù xã hội đã tân tiến, nhưng quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở tư tưởng của nhiều người, chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em.

Là một người có kinh nghiệm can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh gia đình vì tư tưởng định kiến giới, trọng nam khinh nữ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.

“Bắt nguồn từ suy nghĩ phải có con trai để nối tiếp dòng họ, thờ cúng tổ tiên, người vợ phải cố đẻ cho được đứa con trai. Những bé trai đẻ thêm thường được nuôi dạy theo kiểu quý tộc hóa, được hưởng quyền lợi nhiều hơn các bé gái. Định kiến giới đè nặng lên tâm lý người phụ nữ và trẻ em. Đối với phụ nữ, họ tự đặt trách nhiệm cho mình phải đẻ con trai, họ quan tâm chăm sóc, đầu tư giáo dục cho các bé trai nhiều hơn bé gái. Họ mặc định cho mình nhiệm vụ phải quán xuyến việc nhà cửa, cơm nước và con cái. Vì thế sự nghiệp của họ cũng bị ảnh hưởng, thậm chí đánh đổi. Đời sống giải trí của của họ cũng không được đáp ứng đúng mức.

Đối với trẻ em, kể cả các bé trai được nuông chiều hay các bé gái chịu thiệt thòi đều bị ảnh hưởng về tâm lý. Với các bé trai được nuông chiều, các bé thường ích kỉ, tự cho mình là trung tâm và mặc định được mọi người xung quanh quan tâm chăm sóc và đáp ứng mọi nhu cầu, dẫn đến tình trạng trẻ hung tính hơn, hay ăn vạ hơn, ích kỉ hơn, … Với các bé gái, nếu trẻ sống trong môi trường có định kiến giới, các bé thường thu mình hơn, ít nói hơn, không dám đòi hỏi quyền lợi của mình trong một số trường hợp và dần dần hình thành tư tưởng an phận.

Để ngăn chặn tình trạng này, mọi người cần thay đổi tư duy và hiểu rằng, yêu thương là không định kiến. Định kiến nói chung và định kiến giới nói riêng làm khổ những người mà chúng ta yêu thương và chính bản thân chúng ta.” – Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền chia sẻ.

                              z2950102029178_c797ec978bd576c7a187535e2066751f

 

Cần bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Định kiến giới không chỉ dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh, ảnh hưởng tới cấu trúc dân số, mà định kiến giới tồn tại sẽ gây ra bất bình đẳng trong xã hội. Trong bối cảnh Covid - 19, tình trạng bất bình đẳng dựa trên cơ sở giới tính càng gia tăng. Theo nghiên cứu gần đây của Qũy Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Nghiên cứu này cũng cho thấy, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới, các dịch vụ y tế bị gián đoạn thì có tới 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp – trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại, sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới.

Đại dịch Covid - 19 đang đe dọa tình trạng sức khỏe bà mẹ. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong thời gian giãn cách xã hội, bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng từ 30 – 300%. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), có khoảng 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực ngay tại nhà. Theo kết quả Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNFPA và Đại sứ quán Úc cũng cho thấy, sau 9 năm kể từ cuộc điều tra đầu tiên về bạo lực đối với phụ nữ, tỷ lệ bạo lực ở Việt Nam chỉ giảm nhẹ. Theo đó, cứ 3 phụ nữ ở Việt Nam thì vẫn có gần 2 người từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực từ người chồng.

Những con số trên cho thấy, cần thiết phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và những thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái.

Nguồn: Minh Vân (Báo Doanh nghiệp Thương hiệu)