Thế nào là Định kiến? Định kiến giới? Khuôn mẫu giới?
11/11/2021
3643 lượt xem
Khi tìm hiểu các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, hẳn các bạn đã không ít lần bắt gặp những khái niệm như “định kiến", “định kiến giới” hay “khuôn mẫu giới". Nghe tưởng như có nghĩa tương đương nhưng hai khái niệm “định kiến giới" và “khuôn mẫu giới" lại mang những ý nghĩa riêng biệt. Liệu các bạn có từng tự hỏi chúng khác nhau thế nào không?
Khi tìm hiểu các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, hẳn các bạn đã không ít lần bắt gặp những khái niệm như “định kiến", “định kiến giới” hay “khuôn mẫu giới". Nghe tưởng như có nghĩa tương đương nhưng hai khái niệm “định kiến giới" và “khuôn mẫu giới" lại mang những ý nghĩa riêng biệt. Liệu các bạn có từng tự hỏi chúng khác nhau thế nào không?
Hãy cùng Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tham gia lớp học của Gấu và Thỏ để tìm hiểu nhé!
1. Định kiến
"Định kiến" (định: cố định, kiến: ý kiến) có thể hiểu là những ý kiến, quan điểm đã được hình thành một cách cố định về người hay vật, xuất phát từ cách nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính. Chúng thường xuyên có chiều hướng đánh giá thấp những đối tượng được nhắc tới. Định kiến có thể dựa trên các yếu tố như giới tính, chủng tộc, tuổi tác, xu hướng tính dục, quốc tịch, địa vị kinh tế xã hội hay tôn giáo.v.v
2. Định kiến giới
“Định kiến giới” là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Một số định kiến giới thường gặp có thể kể đến: “phụ nữ yếu đuối, dịu dàng”, “đàn ông mạnh mẽ, quyết đoán”, “nam giới giỏi kỹ thuật”, hay “nữ giới lái xe kém”…
3. Khuôn mẫu giới
“Khuôn mẫu giới” là khái niệm để chỉ các nguyên tắc định hướng cho việc nam hay nữ làm gì, và xã hội mong muốn họ nên làm gì. Nói cách khác, khuôn mẫu giới là những kỳ vọng xã hội quy định hành vi nào được coi là phù hợp đối với nam giới và nữ giới. Ví dụ như: "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", “thiên chức của phụ nữ là làm mẹ, làm vợ”, "đàn ông là trụ cột gia đình", "phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà"...