Tìm kiếm

Thúc đẩy sự tham gia của phóng viên trẻ với bình đẳng giới

21/10/2021

31 lượt xem

Báo Tiền phong đưa tin về hai khóa tập huấn “Giới và Bình đẳng giới với các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông” được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) triển khai.

Hai khóa tập huấn “Giới và Bình đẳng giới với các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông” được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) hoàn thành triển khai vào cuối tuần qua dành cho gần 30 học viên tại Hà Nội trong tháng 10 vừa qua. Đây là hoạt động thuộc sáng kiến cùng tên của VSF vượt qua 12 đề xuất trong khu vực châu Á, nhận được tài trợ từ Chương trình Tài trợ nhỏ của Mạng lưới Tập huấn viên về Giới khu vực Châu Á (2021 AGenT SGP).

Với sáng kiến này, thông qua chuỗi hoạt động tập huấn và thực địa, sáng kiến mong muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ các phóng viên trẻ (mới vào nghề) và các cán bộ truyền thông trở thành những người tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các tác phẩm báo chí của mình.

Bằng phương pháp tập huấn đa dạng như tổ chức các trò chơi, tranh biện, sắm vai, đóng kịch, các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông đã hiểu được những khái niệm cơ bản về Giới và Giới tính, các định kiến giới, khuôn mẫu giới, nhạy cảm giới, lồng ghép giới, trách nhiệm giới, nhận dạng giới, xu hướng tính dục và thể hiện giới. Ngoài ra, một số thực trạng về giới, cũng như khung pháp lý tại Việt Nam và trên thế giới cũng được giới thiệu tới các học viên trong buổi tập huấn.

Việc thực hành những kiến thức đã học được thực hiện trong ngày thứ hai của khóa tập huấn. Bài tập “Nhặt ngọc, nhặt sạn” trong các sản phẩm báo chí giúp các học viên tìm kiếm những chi tiết có nhạy cảm giới (nhặt ngọc) và những chi tiết mang định kiến giới (nhặt sạn), từ đó cùng nhau điều chỉnh và rút kinh nghiệm trong các sản phẩm truyền thông của mình.

Các phóng viên và cán bộ truyền thông cũng ứng dụng những kiến thức đã học vào chính lĩnh vực mình phụ trách, bằng cách chia nhóm để vạch ra những điều nên và không nên khi sản xuất các tin bài. Các lĩnh vực đa dạng từ văn hóa, môi trường, người tốt việc tốt, đến trẻ em, khởi nghiệp,v.v.

“Từ trước đến nay những kiến thức về giới và bình đẳng giới với em là con số 0, vì em cũng chưa được tiếp cận đến vấn đề này ở đâu. Khóa tập huấn mang đến cho em một chân trời mới về áp dụng những kiến thức này trong xây dựng các tác phẩm báo chí, truyền thông, đặc biệt trong cách sử dụng từ ngữ hơn khi làm báo để tránh củng cố các định kiến giới.” – Chia sẻ của bạn Phạm Sỹ Công - Cộng tác viên báo Lao Động và báo Dân Việt.

Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ tham dự một chuyến thực địa để khai thác các đề tài về bình đẳng giới trước khi cùng nhau tham gia tọa đàm cuối khóa để chia sẻ việc ứng dụng các kiến thức và kỹ năng đã học, những khó khăn, thách thức và kế hoạch trong tương lai.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm điều hành các khóa tập huấn về giới và bình đẳng giới, chị Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc VSF, người điều hành khóa tập huấn đã khai mở cho các học viên về công tác truyền thông về Giới và Bình đẳng giới - vốn được xem như là “trách nhiệm” của những tờ báo liên quan đến gia đình hay phụ nữ. Thực tế, việc truyền thông về vấn đề này, đôi khi, chưa được chú ý trên các sản phẩm báo chí, truyền thông đại chúng, thậm chí, những định kiến, khuôn mẫu giới có thể vô thức được viết ra theo thói quen từ những nhận thức bất bình đẳng giới chúng ta vẫn nghĩ là “bình thường” bấy lâu nay.

“VSF tự hào là thành viên của Mạng lưới Giảng viên Giới Châu Á (AGenT) và là đối tác của Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng Giới Hàn Quốc (KIGEPE). Chuỗi hoạt động này với các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông là một trong những nỗ lực lâu dài của VSF nhằm thúc đẩy các mục tiêu SDGs về bình đẳng. Các chương trình và dự án của chúng tôi đều được lồng ghép giới để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.” – chị Điệp cho biết thêm.

Nguồn: Báo Tiền phong